Ứng phó dịch bệnh trong tương lai – chủ động nhờ công nghệ

Đại dịch covid-19 bùng phát và hoành hành khắp toàn cầu đã gây ra những tác động khôn lường đối với đời sống xã hội, để lại một vết sẹo dài đối với nền kinh tế thế giới. Đồng thời trở thành bài học xương máu để nhân loại rút ra kinh nghiệm sâu sắc về việc làm thế nào và cần chuẩn bị những gì để ứng phó với các dịch bệnh nguy hiểm tương tự như Covid-19 xảy ra trong tương lai.

Trong vài thập kỷ tới, con người chắc chắn sẽ phải chống chọi với nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Covid-19 và trước đó là dịch cúm mùa, Ebola... xuất hiện như một phần tất yêú của cuộc sống. Vấn đề là con người sẽ đối phó ra sao với các loại dịch bệnh mới xuất hiện.

Pbnam- Giáo sư DREW WEISSMAN, Đại học Pennsylvania: "Chắc chắn còn nhiều đợt dịch hơn nữa. Câu hỏi là chúng ta phải dự phòng ra sao để ứng phó với nó. Năm đầu Covid-19 xuất hiện cả thế giới bị sốc nhưng sau đó nhanh thích ứng, phát triển được các vaccine. Do đó, câu hỏi đặt ra là, Làm sao để ta tạo ra 1 loại vắc xin phổ quát chống lại các loại virus phổ biến trên toàn thế giới"."

Giao thương, kết nối giữa người dân trên toàn thế giới làm xoá nhoà khái niệm biên giới giữa các quốc gia. Bởi vậy, việc đối phó với đại dịch cần sự chung tay của toàn nhân loại. Hay nói cách khác, không ai có thể an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn. 

Giáo sư QUARRAISHA ABDOOL KARIM, Trung tâm Nghiên cứu AIDS Nam Phi: “Trong tương lai, nếu không ngăn ngừa được nguy cơ như lao, HIV thì đó là nguy cơ khác nữa tương tự như hiện trạng hôm nay. Hình thức khác nữa là lây nhiễm của nhiều loại biến chủng mới ở châu Phi. Đó là động lực để chúng ta giải quyết lây nhiễm, bằng công nghệ. Khi giải quyết đại dịch phải nghĩ tới đại dịch tại địa phương, đâu là nguyên nhân gây ra, không thể áp dụng máy móc mô hình của quốc gia khác.”

Không thể rơi vào trạng thái bị động trong các cuộc chiến chống lại dịch bệnh, con người cần thúc đẩy các nghiên cứu để “phòng thủ” trước các loại virus mới. 

Giáo sư PIETER RUTTER CULLIS, Đại học British Columbia: “Vắc xin chỉ là 1 khía cạnh. Dù ở thời điểm hiện tại, chúng ta có nhiều công nghệ như mRNA và công nghệ khác, và tất nhiên không dừng lại ở đó. Đó là công nghệ màu nhiệm nhưng vẫn có khoảng trống. Kết cấu protein ở các loại vi khuẩn luôn xuất hiện, tức là ta cần phòng thủ trước các loại virus mới.”

Nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ, việc nghiên cứu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn để xây dựng mô hình hóa các loại virus mới, qua đó giúp chuẩn bị trước với các dịch bệnh trong tương lai là điều vô cùng cần thiết.

Giáo sư VŨ HÀ VĂN, Đại học Yale, Mỹ: “AI có thể được ứng dụng để mô hình hoá virus mới, tôi hy vọng từ đó tạo kết quả thiết thực. Máy tính có thể chứa hàng tỉ hồ sơ của bệnh nhân mà bác sĩ thì không tài nào nhớ hết. Với sức mạnh của điện toán, thuật toán thông minh có thể khai thác nguồn dữ liệu đó, chỉ cần tra cứu là có thông tin. Đó là trợ lý mơ ước trong tương lai."

Lịch sử đã chứng minh, việc xuất hiện các dịch bệnh mới là điều không thể tránh khỏi, do đó, chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó một cách có hiệu quả với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai. Sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ với y học chắc chắn sẽ tạo ra những phát minh mới – trở thành nền tảng vững chắc để nhân loại có thêm niềm tin vào một tương lai bền vững và an toàn.

Bùi Thảo