Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ chịu trách nhiệm về tính khả thi nguồn vốn của 3 dự án cao tốc phía nam

Sáng 6/6, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1). 3 dự án cao tốc được trình đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, tổng đầu tư các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1) là hết sức cần thiết, vào khoảng 84.463 tỷ đồng. Trên cơ sở tiến độ triển khai 3 dự án, dự kiến nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 60.124 tỷ đồng, chuyển tiếp giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 24.339 tỷ đồng. Trên cơ sở so sánh, đánh giá, kỹ lưỡng lợi thế của các hình thức đầu tư, Chính phủ kiến nghị đầu tư cả 3 dự án theo hình thức đầu tư công.

Ông NGUYỄN VĂN THỂ - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải:Nguồn vốn 2021-2025, Chính phủ dự kiến bố trí từ: (1) Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho 3 dự án khoảng 26.147 tỷ đồng; (2) Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông Vận tải sau khi rà soát, sắp xếp lại khoảng 2.203 tỷ đồng; (3) Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 9.620 tỷ đồng; (4) Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 13.796 tỷ đồng; (5) Ngân sách địa phương khoảng 8.358 tỷ đồng”.

Tán thành với tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: 2 dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đầu tư theo hình thức đầu tư công là phù hợp do đây là 2 tuyến có lưu lượng xe thấp, thời gian hoàn vốn dài. Riêng dự án Biên Hoà – Vũng Tàu thì một số ý kiến cho rằng có thể cân nhắc tiếp tục đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tuy nhiên trên cơ sở phân tích thời gian hoàn thành, bối cảnh, sự cấp bách của dự án đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương liên quan, UBKT tán thành với đề xuất của Chính phủ.

Uỷ ban Kinh tế cho rằng, việc Chính phủ dự kiến tập trung các nguồn vốn nêu trên nhằm cơ bản hoàn thành các Dự án là phù hợp. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trong số các dự án dự kiến tiết giảm vốn, có một số dự án hoàn thành trong và sau năm 2022, do đó đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát và chịu trách nhiệm về tính khả thi của nguồn vốn, từ rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông Vận tải. Bên cạnh đó, cần có giải pháp thu hồi vốn đầu tư của dự án.

Ngoài ra thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng làm rõ sự cần thiết của Dự án, sự phù hợp của Dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch có liên quan; phương án thiết kế sơ bộ, sơ bộ phương án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tiến độ hoàn thành Dự án và phương án thu hồi vốn đầu tư; đề xuất cơ chế, chính sách triển khai đầu tư các Dự án,…./.