Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng, trách nhiệm thuộc về ai

Chiều 16/04, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. 

Theo kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2021, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (chiếm 32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý, có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác /hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Ngoài ra, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình. Theo đó, trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại. 

Dự thảo luật tập trung vào cụ thể hóa 3 nhóm chính sách gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, tránh bỏ sót hành vi bạo lực gia đình. Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Thường trực Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu mô hình quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình để có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động của các lĩnh vực bình đẳng giới, gia đình, trẻ em và bảo trợ xã hội.

Làm rõ cơ chế phối hợp và trách nhiệm trong phòng chống bạo lực gia đình

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tiếp tục quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước và điều phối liên ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên cần quy định như thế nào để vừa phối hợp hiệu quả vừa, quy rõ được trách nhiệm là vấn đề được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.

Thực tiễn hiện nay cho thấy, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vẫn tập trung gánh nặng cho ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, thiếu sự tham gia và phối hợp tích cực của cơ quan, tổ chức khác trong khi đặc thù của công tác phòng, chống bạo lực gia đình đòi hỏi sự phối hợp, trách nhiệm của nhiều bộ, ngành. 

Bà NGUYỄN THỊ THANH - Trưởng Ban Công tác Đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu: “Vấn đề cốt lõi trong công tác phòng chống bạo lực gia đình không chỉ ở những quy phạm, mà còn ở nhiệm phối hợp liên ngành. Do vậy, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan như Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức quần chúng, trong đó có vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.”

Lấy dẫn chứng vụ việc bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu khiến tử vong, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến vấn đề quy trách nhiệm khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ chế phối hợp, xác định trách nhiệm trong sửa đổi luật lần này.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ phát biểu: “Nhóm cơ chế phối hợp và điều kiện bảo đảm đã sửa nhiều, làm rõ nếu không phát hiện ngăn chặn xử lý, không rõ chủ trì phối hợp rất khó quy trách nhiệm. Trường hợp không phát hiện kịp thời trách nhiệm của ai, nên có quy định xác định khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, nhiều bên phối hợp mà không lo được. Xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp luật có rồi nhưng rà soát làm rõ hơn. ”

Dự thảo luật sửa đổi quy định nhiều trách nhiệm đối với lực lượng công an xã về: Báo tin về bạo lực gia đình, yêu cầu người gây bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã, giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới, các trách nhiệm quy định đối với công an xã rất nặng nề, nhưng lại chưa quy định về thẩm quyền sẽ khó trong thực thi, nhất là trong trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không hợp tác.

Ông LÊ TẤN TỚI - Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội phát biểu: “Nếu họ không chấp hành thì công an xã làm sao trong việc giám sát thực hiện cấm tiếp xúc. Hiện mới có pháp lệnh công an xã, chưa có luật công an xã nên rất khó thực hiện. Luật này nên giao cho công an xã áp dụng biện pháp ngăn chặn nào để bảo vệ người tố giác hoặc nạn nhân.” 

Từ thực tiễn tham gia công tác phòng chống bạo lực gia đình, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết vai trò của công tác hòa giải cơ sở rất quan trọng. Do đó việc bổ sung quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc tham gia hòa giải trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi lần này là cần thiết.

Bà TRƯƠNG THỊ NGỌC ÁNH - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam: “Vai trò nòng cốt trong luật hòa giải cơ sở quy định rõ trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc, có thể quy định rõ trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong tham gia phòng ngừa bạo lực gia đình sẽ góp phần thực hiện tốt luật này.”

Các ý kiến cũng đồng nhất với quan điểm của cơ quan thẩm tra cho rằng phòng, chống bạo lực gia đình là lĩnh vực nhạy cảm, nhiều nội dung riêng tư trong mối quan hệ gia đình, được điều chỉnh bởi cả quy phạm đạo đức, tập quán, quy phạm pháp luật... và việc khắc phục tình trạng bạo lực gia đình đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, cả về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, pháp luật và phải mang tính toàn diện. Đồng thời đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát làm đậm 3 nhóm chính sách được tập trung khi sửa đổi luật, nhất là về chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác phòng chống bạo lực gia đình./.

Anh Tuấn