Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Tiếp tục phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9, sáng nay 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (Sửa đổi).

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bám sát 05 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với 5 nội dung chính. Bao gồm các chính sách: Hoàn thiện các quy định về bản chất Hợp tác xã , phát triển thành viên Hợp tác xã; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành Hợp tác xã; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), theo đó xác định vai trò nòng cốt của các Hợp tác xã với các loại hình Hợp tác xã.

Về Liên đoàn Hợp tác xã, thường trực Uỷ ban Kinh tế khẳng định cần thiết phải thành lập Liên đoàn Hợp tác xã là chưa đủ căn cứ về cả mặt pháp lý và thực tiễn. Đối với tài sản, tài chính của Hợp tác xã, các quy định tại dự thảo Luật liên quan đến quỹ chung không chia chưa phản ánh rõ nét việc trích lập quỹ chung không chia từ lợi nhuận do giao dịch bên ngoài; chưa cụ thể về cách thức quản lý và sử dụng quỹ chung không chia nhằm phát huy hiệu quả tài chính, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí để tạo sự yên tâm cho các thành viên Hợp tác xã đồng thuận với việc để lại một phần thu nhập của mình để đầu tư phát triển Hợp tác xã, trong khi thu nhập của các thành viên Hợp tác xã so với mặt bằng thu nhập chung của các thành phần kinh tế khác là không cao. Chế độ hạch toán, kế toán cũng cần nghiên cứu, xác định cụ thể và rõ ràng hơn tại dự thảo Luật về giao dịch.