Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân năm 2021 khu vực phía Bắc

Sáng 21/02, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh. Các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương; đại diện các cơ quan hữu quan; hơn 200 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội… của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc cùng tham dự.

Đây là điểm mới khi lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị này nhằm tổng kết, đánh giá công tác năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Đồng thời tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Hội đồng Nhân dân.

Theo báo cáo tổng kết do Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp nhưng Hội đồng Nhân dân các cấp đã góp phần quan trọng vào thành công tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, với tỷ lệ 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu, ngày bầu cử 23/5/2021 đã thực sự trở thành Ngày hội lớn của toàn dân. Kết quả đã bầu được 3.721 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh; bầu được 22.550 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp huyện; bầu được 239.788 đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Đây là điều kiện cơ bản để Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cán bộ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. 

Cũng theo Trưởng Ban Công tác đại biểu,  năm 2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chương trình công tác, hoàn thiện thể chế, ban hành các Nghị quyết đảm bảo thiết thực, sát với thực tiễn, đi vào cuộc sống, dễ triển khai thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Nhiều địa phương, Hội đồng Nhân dân đã phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đã có nhiều sáng tạo đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động..áp dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận tài liệu kỳ họp, tài liệu được gửi đến đại biểu Hội đồng Nhân dân sớm có thời gian nghiên cứu đã góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, …). Vì vậy, năm 2021 mặc dù dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, nhưng Hội đồng Nhân dân với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch công tác năm 2021.”

Trưởng Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nhấn mạnh: việc tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề trong năm đã góp phần chủ động trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương và kịp thời kiện toàn công tác tổ chức của Hội đồng Nhân dân đảm bảo hoạt động được liên tục; hoạt động giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm bám sát nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố phương thức giám sát theo hướng gọn về thành phần, tăng cường hoạt động khảo sát trước khi tổ chức giám sát; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc 

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Hội đồng Nhân dân tại một số địa phương vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị nghị quyết chưa chủ động tổ chức thực hiện ngay từ đầu. Công tác tổng hợp và gửi báo cáo các ý kiến, kiến nghị sau tiếp xúc cử tri của một số Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân chưa đảm bảo về chất lượng và thời gian quy định. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức. Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân còn lúng túng về phương pháp, cách thức, nội dung giám sát. Tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi còn tình trạng tiếp xúc “đại cử tri” là phổ biến.

Để khắc phục những bất cập trong quá trình hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp trong thời gian qua và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân trong năm 2022, Hội đồng Nhân dân các cấp cần Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của địa phương trong đó quá trình đổi mới phải đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng Nhân dân, nhất là nội dung hoạt động và công tác tổ chức và cán bộ. Tích cực tham gia đề xuất với Quốc hội hoàn thiện thể chế, thông qua giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương, việc ban hành nghị quyết có chứa nội dung quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh. Ngoài ra tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ họp của Hội đồng Nhân dân các cấp.

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:Để đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri ngay từ công tác chuẩn bị kỳ họp, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh chủ động phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị để thống nhất nội dung, xây dựng chương trình kỳ họp hợp lý, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng. Nội dung Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân khi được ban hành phải bảo đảm tính khả thi cao, không trái thẩm quyền, góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề “nóng” và “điểm nghẽn”, đang được cử tri và dư luận quan tâm, bao quát trên nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".

Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phục vụ hoạt động của Hội đồng Nhân dân: thực hiện các “kỳ họp, phiên họp không giấy”; các báo cáo, kết quả giám sát sẽ được sử dụng tối đa thông qua hình ảnh cụ thể “video clip” đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Tằng cường rà soát và hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội với Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban của Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân – Ủy ban Nhân dân – Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, tổ chức. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương./.
 

Như Thảo