Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tham vấn chuyên gia về dạy và học môn Lịch sử

Sáng 10/5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về “Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018: Môn Lịch sử”.

 So với chương trình môn Lịch sử trường phổ thông được áp dụng ở nước ta từ năm 1945 đến nay, chương trình môn Lịch sử 2018 được xây dựng theo hướng tinh giản hơn những kiến thức mang tính lí thuyết hàn lâm, chú trọng đến việc hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. 

Ngày 23-4-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề chưa được làm sáng tỏ, chưa thực sự thuyết phục đội ngũ những người làm công tác giáo dục lịch sử cũng như dư luận xã hội.. Mục đích của cuộc tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận về chương trình môn Lịch sử năm 2018: quan điểm về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn, đánh giá về vai trò của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông và việc dạy học môn lịch sử ở một số nước trên thế giới, đề xuất giải pháp và kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Các chuyên gia kiến nghị, cần có sự thay đổi trong cách biên soạn sách giáo khoa Lịch sử để giúp học sinh cũng như xã hội hiểu thêm về khoa học lịch sử và quan trọng nhất là tư duy lịch sử. Trong đó, mỗi một bài học phải trình bày đủ cơ cấu lịch sử - văn hóa. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy cần có sự thay đổi, chuyển chủ yếu từ dạy để thi, sang áp dụng các chiến lược dạy học khác nhau để nâng cao hiệu quả học. Có ý kiến đề nghị, việc ra đề thi trắc nghiệm đối với môn Lịch sử cũng không thật phù hợp, cần có thêm câu hỏi trong đề thi tự luận. Việc chọn môn thi THPT và cho các trường đại học cũng cần có sự thay đổi.

Hồng Dũng