Ủy ban Văn hóa - Giáo dục giám sát tại Thủ Đức: Con em công nhân khu công nghiệp khó tiếp cận giáo dục mầm non công lập

Là địa bàn tập trung nhiều Khu chế xuất, Khu công nghiệp nhu cầu về trường mầm non cho con em công nhân, người lao động tại TP.Thủ Đức rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn các bé con em công nhân, lao động tại các KCN, KCX trên địa bàn đều đang theo học tại các trường ngoài công lập.

Vì vậy, cần xem xét về chính sách hỗ trợ, quản lý đối với các cơ sở giáo dục này là yêu cầu của Đoàn giám sát Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội trong buổi làm việc với UBND TP.Thủ Đức vào sáng 18/8. 

Theo đó, trên địa bàn thành phố Thủ Đức hiện có 72 cơ sở giáo dục mầm non tại Khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó cơ sở tư thục chiếm hơn 80% với 59 cơ sở. Số lượng trường công chiếm tỷ lệ rất ít, thời gian trông trẻ ngắn, vì vậy đa phần con em công nhân hiện chủ yếu đang theo học tại các cơ sở, nhóm trẻ ngoài công lập dù cơ sở vật chất không đảm bảo, học phí cao.

Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA – Uỷ viên Uỷ ban VHGD của Quốc hội: “Các cơ sở hiện nay khó khăn nhất. Chúng tôi thấy nhiều cơ sở cũng thường thôi, cô giáo thậm chí một nhóm lớp cũng chỉ 1 thôi với một bảo mẫu nữa8 nhưng học phí là 4 triệu đấy." 

Bà NGUYỄN THỊ MAI HOA – Phó chủ nhiệm UB VHGD của Quốc hội: “Con em công nhân của chúng ta lựa chọn để tiếp cận giáo dục công, học trường công được thụ hưởng chính sách của nhà nước rất khó. Vì vậy lương của họ có thể thấp nhưng họ vẫn phải lựa chọn trường học cho con là các điểm nhóm không bằng trường công, cơ chế chính sách không được thụ hưởng tới." 

Vấn đề quản lý, các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển các khối trường ngoài công lập được nhiều đại biểu hết sức quan tâm.

Ông ĐỖ CHÍ NGHĨA – Uỷ viên UB VHGD của Quốc hội: “Việc quản lý các nhóm trẻ nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố được thực hiện như thế nào?” 

Bà KIỀU MỸ CHI – Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TP Thủ Đức, TPHCM: "Đối với các cơ sở này chúng tôi không cấp phép nhưng UBND phường đã thực hiện cam kết và kiểm tra rất kỹ và phối hợp để thực hiện công tác báo cáo." 

Với tính chất đặc thù của TP Thủ Đức, các đại biểu nhất trí việc xã hội hoá các cơ sở giáo dục để đảm bảo nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị thành phố Thủ Đức cần quan tâm giám sát chặt chẽ hơn các cở sở mầm non ngoài công lập, đảm bảo điều kiện an toàn cho trẻ. Đồng thời có chính sách đào tạo, nâng cao chất lượng, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên… Mục đích cuối cùng là nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học cho con em công nhân để họ yên tâm gắn bó lâu dài với thành phố. 

Tăng Sắc