Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Nỗ lực đồng hành cùng Quốc hội vì lợi ích quốc gia, dân tộc

Trước tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19 đến mọi mặt của đất nước, trong đó có lĩnh vực xã hội khiến khối lượng công việc của Ủy ban Xã hội ngày càng nhiều. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, Ủy ban luôn bảo đảm hoàn thành tiến độ công việc, hoàn thành các nhiệm vụ theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch năm 2021.

Đồng hành cùng Quốc hội đổi mới công tác lập pháp

Dự án Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) do Ủy ban Xã hội thẩm tra là một trong những dự án Luật đầu tay của Quốc hội khóa XV. Trước yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp được đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ; Dự án Luật này được kỳ vọng trở thành một hình mẫu tiêu biểu để hiện thực được tầm nhìn cũng như định hướng, các chủ trương, nâng cao chất lượng công tác lập pháp của nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Có thể nói dự án luật thi đua khen thưởng sửa đổi này là sản phẩm đầu tiên về công tác lập pháp trong nhiệm kỳ này. Đây là cơ hội để ủy ban thường vụ quốc hội, cho Quốc hội thực hiện được lời hứa chưa thực hiện hóa được chương trình hành động: tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng công tác lập pháp, nâng cao chất lượng công tác lập pháp phải gắn liền với siết chặt kỷ luật kỷ cương về công tác lập pháp theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhất, là trách nhiệm của người đứng đầu, các tổ chức trực liên quan đến công tác chuẩn bị trình và thẩm tra các dự luật này công tác lập pháp ngay từ luật này phải làm sao khắc phục được tình trạng luật ống luật khung, mặt khác khắc phục được tình trạng quy định cứng chi tiết những vấn đề chưa đủ rõ, sự chồng chéo trùng lặp giữa các quy định của pháp luật."

Với tinh thần đồng hành cùng Quốc hội đổi mới công tác lập pháp, cùng ý thức trách nhiệm của cơ quan được giao chủ trì thẩm tra, chủ trì phối hợp với Ủy ban thường vụ quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, Ủy ban đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phục vụ thẩm tra. Trong đó có việc tăng cường trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong suốt quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự án luật. Đặc biệt Ủy ban, luôn coi trọng và tăng cường công tác tham vấn chuyên gia, cộng tác viên, ý kiến nhân dân, đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của dự luật trong quá trình xây dựng và thẩm tra luật.

Ông TRƯƠNG XUÂN CỪ - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Qua quá trình tham gia với Ủy ban Xã hội sửa đổi một số dự án luật tôi thấy nổi lên trong quá tình là sự tranh thủ ý kiến tham gia của các chuyên gia, lĩnh vực nào cũng thế phải có những người chuyên nghiệp… Phải tập trung các chuyên gia các nhà quản lý từ khâu xây dựng đề cương, chỉnh sửa, sửa đổi bổ sung cho đến quá trình từng nội dung thì họ tham gia khách quan thực tiễn hơn.

Việc Ủy ban bảo đảm tiến độ và chất lượng báo cáo thẩm tra, cũng như báo cáo giải trình, tiếp thu, chính lý dự án luật trình tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đã nhận được phản hồi tốt của lãnh đạo Quốc hội, cũng như tăng thêm kỳ vọng về chất lượng dự án luật đầu tay này của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. 

Đại biểu TRỊNH XUÂN AN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai:Cái quan trọng nhất của luật này là hướng tới việc thi đua khen thưởng phải thực chất, đánh giá đúng thành tích, xứng đáng, và nó phải khơi gợi được tinh thần sáng tạo, nỗ lực phấn đấu của tổ chức, cá nhân trong trong lao động sản xuất. Nếu chúng ta làm không cẩn thận, chúng ta sẽ rơi vào tồn tại đó là Hình thức, cộng dồn và chưa lan tỏa được đến tầng lớp nhân và người lao động và tránh một điều là thi đua khen thưởng cho toàn dân chứ không phải chỉ trong một khu vực.”

Bà NGUYỄN THÚY ANH - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: Chúng tôi ý thức trách nhiệm lớn hơn rất nhiều không chỉ vì tính chất của dự án luật này rất là khó phức tạp nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau mà chúng tôi xác định ngay khi đồng chí Chủ tịch Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng vào Ủy ban, đây là dự án luật đầu tiên của nhiệm kỳ khóa 15 đồng chí đã giao nhiệm vụ như là sự mẫu mực trong việc xây dựng dự án luật này, chúng tôi đã cố gắng làm để đầy đủ các thủ tục quy trình sự kỹ lưỡng như đồng chí chủ tịch Quốc hội cũng như Thường vụ hội mong muốn, chúng tôi đã tổ chức những cuộc tọa đàm chuyên gia về từng nội dung có nhiều ý kiến khác nhau ngay từ khi được giao nhiệm vụ này.”

Đồng hành cùng các quyết sách của Quốc hội

Năm 2021, cả nước phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng xảy ra khi dịch COVID-19 với biến chủng Delta nhanh chóng lây lan đến hầu hết các địa phương trên cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội. Bối cảnh đặc biệt của năm đã cho thấy những sáng kiến lập pháp của Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ – Đó chính là Quốc hội bổ sung việc xem xét, ban hành Nghị quyết số 30 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV – một Nghị quyết chưa có trong tiền lệ, là cơ sở pháp lý đặc biệt quan trọng để Chính phủ triển khai có hiệu quả trong công tác phòng, chống Covid-19. Tiến hành thẩm tra Nghị quyết này với thời gian gấp rút chỉ trong một ngày mà vẫn tuân thủ đầy đủ quy trình theo quy định để kịp trình ra Quốc hội là khoảng thời gian khó quên của mỗi thành viên Thường trực Ủy ban.

Bà ĐỖ THỊ LAN - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội:  “Đại biểu trong thường trực Ủy ban cũng đã chủ động nghiên cứu nắm bắt tình hình kể cả ngoài giờ hoặc ban đêm, ngay khi nhận được các báo cáo tờ trình của Chính phủ phải nghiên cứu rất sâu đồng thời nắm bắt tình hình thực tiễn để tổ chức thẩm tra được một cách kịp thời sâu sắc, từ đó báo cáo với Ủy ban thường vụ quốc hội và phục vụ cho Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa 15.

Nghị quyết được ban hành đã trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Ông PHẠM NHƯ HIỆP - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế: Với nội dung phòng chống dịch covid được Ủy ban xã hội thẩm tra, đây là nội dung hết sức cần thiết trong tình hình covid diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là các tỉnh phía nam và TPHCM. Như vậy tờ trình và các biện pháp phòng chống dịch covid được QH thông qua rất cần thiết và y là bản lề cho các hoạt phòng chống dịch của Chính phủ, các bộ ban ngành và các lực lượng phòng chống dịch.”

Ngay khi Nghị quyết 30 của Quốc hội được ban hành và đi vào cuộc sống với những tác động rất cụ thể; Ủy ban đã phát huy vai trò giám sát, thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh là tổ Phó Thường trực tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30 này, và Ủy ban xã hội cũng chính là cơ quan thường trực Tổ công tác. Nội dung kết quả giám sát, thẩm tra của Ủy ban đã được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ hai – là cơ sở để các đại biểu có cái nhìn khách quan, tổng thể để tiếp tục phân tích và đề xuất hiến kế, phát huy tinh thần đồng hành cùng với Chính phủ trong công tác phòng, chống đại dịch.

Cùng với đó, Ủy ban đã Phối hợp với Ủy ban Pháp luật trong việc tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 268/UBTVQH15 ngày 06/8/2021 của UBTVQH về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ và ngành y tế, lao động thực hiện kịp thời, hiệu quả trong phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Ủy ban cũng là cơ quan tiến hành thẩm tra đề xuất của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Nội dung này đã được trình tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo thẩm quyền. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp; Khẳng định, đây là giải pháp mang tính tình thế, trong tình huống cấp bách, chưa có tiền lệ và rất nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Tôi đánh giá cao cố gắng, nỗ lực và kết quả hoạt động của Ủy ban, của Thường trực Ủy ban từ sau Phiên họp thứ nhất ngày 21/7/2021 đến nay. Ủy ban đã hoạt động khẩn trương ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ khóa XV với các sản phẩm như Báo cáo về một số ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; Thẩm tra đề xuất của Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết; đặc biệt là đã thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc để xuất một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

Phát huy vai trò giám sát trên lĩnh vực y tế

Tại kỳ họp thứ 2, lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận toàn thể tại hội trường Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và tình hình quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020. Để ĐBQH có được những thông tin về bức tranh thực trạng lĩnh vực này; Ủy ban Xã hội đã phát huy vai trò giám sát của mình trước khi trình Báo cáo thẩm tra chính thức tại Kỳ họp. 

Ông LÊ VĂN KHẢM - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Giám sát không chỉ dừng lại ở thẩm tra báo cáo mà trong quá trình tổ chức giám sát ở các địa phương đơn vị về nội dung bảo hiểm y tế cũng được thiết kế một cách bài bản, về mặt nội dung giám sát cũng như đối tượng và phương pháp giám sát, thông qua các diễn đàn của ngành y tế ngành bảo hiểm xã hội cũng như các diễn đàn khoa học về y tế khác chúng tôi đều có cơ hội để cập nhật thông tin nắm bắt tình hình hình và và cùng với cơ quan của Chính phủ tiến hành những nghiên cứu chuyên sâu, những khảo sát chuyên đề về đề và những hội thảo khoa học để tìm ra những giải pháp vừa khắc phục những khó khăn vướng mắc hiện tại bởi các văn bản luật đồng thời gợi mở các hướng đi quy định mới về chính sách bảo hiểm trong tương lai."

Không chỉ làm rõ thực trạng của việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban còn phân tích nguyên nhân, nêu lên đề xuất góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, việc làm, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về lĩnh vực này. Nhờ đó, các đại biểu dễ dàng nắm bắt, góp thêm tiếng nói, đề xuất giải pháp căn cơ góp phần bảo đảm an sinh xã hội của người dân trong thời gian tới.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Việc Quốc hội lần đầu tiên thảo luận trực tiếp về vấn đề bảo hiểm xã hội với 267 ý kiến thảo luận tại tổ và hôm nay rất nhiều ý kiến trực tuyến của các đại biểu góp ý kiến về vấn đề này. Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội. Chúng tôi cho rằng đây là những ý kiến rất tâm huyết, trí tuệ và thiết thực. Tin tưởng rằng sau kỳ họp này, chúng ta sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới về nhận thức về trách nhiệm và hành động trong triển khai và phát triển các chính sách bảo hiểm xã hội. Một trong những trụ cột quan trọng nhất của chính sách an sinh xã hội.”

Bên cạnh thực hiện các công tác chuyên môn theo chức năng nhiệm vụ, Ủy ban tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh về công tác xã hội bằng việc quan tâm chăm lo đến các thành phần xã hội trong những ngày Lễ Tết. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động nặng nề đến đời sống xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, sẻ chia của một cơ quan phụ trách lĩnh vực xã hội, Thường trực Ủy ban đã ban hành Kế hoạch Tổ chức hoạt động hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19  và huy động được hơn 14,3 tỷ đồng để hỗ trợ cho một số địa phương trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em chịu ảnh hưởng của COVID-19.    

Nhiệm kỳ mới bắt đầu với những kết quả đầu tiên đạt được đã tạo tiền đề cho việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban thời gian tới. Trong phương hướng công tác năm 2022, Ủy ban Xã hội xác định sẽ bám sát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đoàn Quốc hội, của Tổ đảng ở Thường trực Ủy ban và các Đề án lớn của Quốc hội để cụ thể hóa trong kế hoạch công tác, bám sát lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành. Mỗi thành viên Ủy ban sẽ nêu cao tinh thần chủ động, thường xuyên theo sát diễn biến thực tế, cũng như nắm chắc tình hình của từng lĩnh vực phụ trách, nhằm kịp thời phản ánh, kiến nghị, đóng góp ý kiến sâu sắc nhất trong hoạt động của Ủy ban và các quyết sách của Quốc hội. Tập thể Ủy ban sẽ cùng phát huy năng lực, trình độ, thế mạnh để vừa kế thừa, phát huy, vừa đổi mới, phát triển góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Ủy ban Xã hội đối với các hoạt động của Quốc hội.

Như Thảo