Vấn nạn "đạo tranh": Đã đến lúc phải mạnh tay!

Câu chuyện xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật không còn là vấn đề riêng của tác giả mà đã trở thành vấn nạn thời gian qua. Hệ lụy của nó là làm giảm giá trị thị trường mỹ thuật, đánh mất niềm tin từ các nghệ sĩ, nhà sưu tập và công chúng.

"Thiếu nữ bên hoa huệ" là một trong những tranh bị sao chép, làm giả nhiều nhất của danh họa Tô Ngọc Vân.

Trên nhóm facebook “Phản đối xâm phạm bản quyền hội họa” liên tục đăng tải những thông tin về các vụ việc xâm phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực mỹ thuật. Mới đây nhất, bức tranh sơn dầu "Một ngày như thế" của họa sĩ Bùi Văn Tuất cũng đã bị sao chép lại và rao bán ngang nhiên ở Hà Nội.

Họa sĩ Phạm Chính Trung cũng vừa phát hiện bức tranh sơn mài của mình bị sao chép gần như hoàn toàn như thế này. Ông chia sẻ, bức tranh này cửa hàng mua về chỉ có giá chưa đến 4 triệu đồng, trong khi bức tranh sơn mài thật của ông được định giá đến 4.000 đô la.

Họa sĩ Phạm Chính Trung: "Khi người mua tranh đưa bức tranh sao chép của tôi lên mạng bán thì các sinh viên của tôi họ thấy chụp lại mà hình, tôi mới biết tranh của tôi bị chép, biết nguồn gốc địa phương chép nhưng không biết người chép là ai."

Họa sĩ Bùi Trọng Dư: "Từ rất lâu rồi, cũng giống như việc mình bắt cóc bỏ đĩa, khi làm rầm rộ thì lắng xuống một thời gian. Có rất nhiều vụ vi phạm."

Vấn nạn đạo tranh, xâm phạm bản quyền tác giả trong thị trường mỹ thuật Việt Nam đã trở thành căn bệnh trầm kha, gây bức xúc cho cộng đồng yêu nghệ thuật nhiều năm qua. Ngoài việc sao chép y chang bản gốc rồi trà trộn vào thị trường bán với giá cao, nhiều tác phẩm còn bị in ấn lên quần áo, vẽ tranh tường trang trí, dùng vào các hoạt động thương mại. Theo các nhà chuyên môn, chưa có một mức xử lý đủ sức dăn đe với những trường hợp vi phạm bản quyền, công tác giáo dục về vấn đề này cũng chưa thực sự được quan tâm.

Họa sĩ Bùi Trọng Dư: “Các trường nhất là trường mỹ thuật có nên đưa vào 1 số giờ nhất định về luật bản quyền và xâm phạm bản quyền như thế nào.”

Bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: "Vấn đề bản quyền rất khó khăn, việc thực hiện bản quyền thì không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan làm về công tác bản quyền hay luật mà nó còn phụ thuộc vào ý thức của người dân."

Trong khi hàng tháng, thậm chí hàng tuần vẫn có những sự việc sao chép tác phẩm mỹ thuật được phát hiện, nhưng những vụ kiện về nội dung này lại rất ít. Bởi, để theo kiện một vụ bản quyền thì mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Điển hình là vụ kiện của họa sĩ Lê Linh với bản quyền "Thần đồng Đất Việt" mất tới 12 năm. Do vậy, nhiều tác giả thường chấp nhận sự xin lỗi và dành thời gian công sức vào sáng tác.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam