• 3511 lượt xem
  • 04:13 31/07/2022
  • Xã hội

Về Bắc Ninh thăm nhà cụ Đám Thi - nơi ra đời của Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta"

Có thể chúng ta từng đi qua một ngôi nhà nhỏ nằm trong một con ngõ hay con ngách bình dị nào đó mà không hề biết rằng nơi đây lại từng diễn ra những sự kiện lịch sử đầy hào hùng. Cùng đến với 1 địa chỉ như thế: Nhà cụ Đám Thi.

Chính vì lẽ đó mà ngày hôm nay, chúng tôi muốn gửi tới Quí vị khán giả câu chuyện về di tích lịch sử cách mạng “Nhà cụ Đám Thi” tại ở thôn Thọ Môn, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh), một địa chỉ từng có thời hoạt động cách mạng rất sôi nổi, nhưng nếu không được nhắc đến thì rất có thể chúng ta sẽ không biết được sự tồn tại của di tích. 

Vào một ngày nắng gắt, nếu bước chân vào không gian được pha trộn giữa nét truyền thống của nhà ba gian hai trái cùng với chút kiến trúc của thời kì Pháp thuộc thì có lẽ điều mà mọi du khách cảm nhận được là dịu mát và bình yên nơi đây. Thế nhưng, ngược dòng thời gian về những năm 1940-1945 thì ngôi nhà của cụ Nguyễn Tiến Thuận hay còn được gọi là cụ Đám Thi là một căn cứ cách mạng quan trọng nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương giai đoạn tiền khởi nghĩa như  đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thụ, Văn Tiến Dũng, Phan Đăng Lưu vv…..Và tại đây cũng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng mang tính chất quyết định đến cách mạng cả nước.

Bà NGUYỄN THỊ THÚY, Cán bộ Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh: “Chúng ta đang đứng tại di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Đám Thi, nơi đây diễn ra một cuộc họp rất là quan trọng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, đã đề ra Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Nhà cụ Đám Thi có thiết kế khá đặc biệt. Ngoài 5 gian nhà chính thì còn nhà khách là căn nhà gác 2 tầng, có thiết kế cao hơn hẳn những ngôi nhà khác trong xóm. Đứng trên gác có thể quan sát được khắp các lối đi, đường ngang, ngõ dọc vào nhà. Đây là cơ sở lý tưởng vừa để họp bàn và nhanh chóng trốn thoát từ cửa sổ tầng 2 khi có báo động. Bởi vậy, Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ đã chọn làm cơ sở hoạt động cách mạng. Đặc biệt, đêm ngày 9/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương mở rộng họp tại đây đã cho ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản Chỉ thị làm kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào kháng Nhật cứu nước đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Với ý nghĩa to lớn đó, nhà cụ Đám Thi được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cách mạng quốc gia năm 1979.

Ông NGUYỄN CHÍNH THẮNG, cháu nội cụ Đám Thi: “Những năm vừa qua thì Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến di tích, thường xuyên giao cho Ban di tích Bắc Ninh về duy tu sửa chữa,, khắc phục khó khăn. Đó là lịch sử nên gia đình tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Chính phủ và cũng rất hoan nghênh du khách tới đây tham quan.”

Cũng như nhiều di tích lịch sử cách mạng khác trên cả nước, nhà cụ Đám Thi luôn mở cửa đón du khách tới tham quan, tìm hiểu quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Thế nhưng, du khách lại chỉ nhớ tới hay biết tới địa chỉ này thường là vào những dịp kỉ niệm cách mạng. Đây chính điều tiếc nuối rất lớn cho thế hệ hôm nay, khi vô tình bỏ qua những giá trị lịch sử hào hùng của đất nước. 

Anh Thư