Về Làng Thuỷ Ba nghe nhân chứng duy nhất còn sống kể chuyện bắt cọp

Câu chuyện về làng bắt cọp Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị với cụ ông Trần Đức Thọ, 90 tuổi, người duy nhất còn sống từng được chứng kiến cảnh đội quân của làng triển khai các thế trận bao vây bắt cọp hồi đầu thế kỷ 20.

>> 21 năm không thấy ngoài tự nhiên, hổ ở Việt Nam đã tuyệt chủng?

Làng Thủy Ba, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị từ bao đời nay được biết đến là làng bắt cọp. Cọp có hung dữ đến cỡ nào cũng phải cúi đầu khuất phục trước mưu trí và sức mạnh của thanh niên, trai tráng trong làng lúc bấy giờ.

Đây là những vật dụng hết sức thô sơ như lưới đan từ vỏ cây rừng; đinh ba, mỉa hai nạng nhưng được xem là báu vật của làng Thủy Ba hiện lưu giữ tại phòng văn hóa xã Vĩnh Thủy. Những vật dụng hết sức thô sơ này chính là công cụ, là vũ khí được trai làng  dùng vây bắt cọp trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Đội quân bắt cọp của làng Thủy Ba hiện không còn một ai. Nhưng với ông Trần Đức Thọ, năm nay ngoài 90 tuổi hiện sống ở xã Vĩnh Thủy vẫn nhớ rất rõ cách tổ chức vây ráp, bắt cọp. Ông là người duy nhất còn sống từng được chứng kiến cảnh đội quân của làng triển khai các thế trận bao vây bắt cọp lúc bấy giờ. 

Ông Trần Đức Thọ - Làng Thủy Ba xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị: “Nghe nói đến bắt cọp, nghe nói Thủy Ba là biết dân mình rồi đó!... Hồi đó núi rừng ở đây dữ lắm chứ không phải như chừ mô. Cọp nó về ăn người tận đây. Bắt cọp giang lưới lên ri, nếu nó ra thì mình dâm, mình chờ lệnh. Nếu bắt đem cho Vua thì bắt đầu đóng ép nó lại rồi dân dân thúc nó vào trong rồi bắt. Lưới ni giang để bao vây con cọp, cọp không thể tông được. Bao vây cũng giống ta rào gà. Hắn ra răng được. Ngoài ni có mác có nạng, ra là đâm. Bên ngày không nói, ban đêm đốt lửa sáng xung quang người là người canh phòng đi xung quanh... buổi đêm bao quan rứa đó”.

Làng Thủy Ba, là một làng bán sơn địa, có sông, có núi, có đồng bằng… Núi ở đây được miêu tả trong Đại Nam nhất thống chí là ngọn Linh Sơn hình con voi, án ngự ngay giữa làng. Phía đông hướng ra biển là một cánh đồng trù phú, phía Tây của làng dựa vào vách của đại ngàn Trường Sơn. Đó chính là vùng đất trước đây cọp dữ thường về trú ngụ. Cọp rình rập quanh làng, bắt người, ăn trâu, ăn bò. Bị cọp hoành hành, người dân Thủy Ba đã hình thành nghề độc đáo. Dụng cụ bắt cọp gồm lưới, cây đinh ba, giáo mác... Lưới săn cọp được làm bằng thân cây sót, mỗi cạnh mắt lưới rộng chừng 10 phân. Lưới dài đến 15m, cao trên 3m. Gần một trăm năm trôi qua kể từ khi dân làng bắt được con cọp cuối cùng, các thế hệ con cháu của làng luôn tự hào gìn giữ những dụng cụ bắt cọp của cha ông như những báu vật của làng.

Họa sỹ Trương Đình Dung - Thành phố Đông Hà tỉnh Quảng Trị: “Tôi là họa sỹ tôi rất thích hình tượng con hổ ở trong các câu chuyện và đặc biết là hình tượng được kể lại con hổ ở Thủy Ba. Và tôi ấp ủ, năm nay là năm Dần tôi muốn vẽ một bức thông qua tác phẩm để kể câu chuyện làng Thủy Ba bắt cọp. Hình ảnh này vừa giới thiệu những người đến Vĩnh Linh và đặc biệt các thế hệ con cháu sau này nhìn vào đấy biết được câu chuyện cha ông của ta đã làm như vậy”.

Với tiếng tăm trong việc bắt cọp, năm 1832, vua Thiệu Trị nhà Nguyễn lúc bấy giờ tại Huế đã ban lệnh cho đội quân dân làng Thủy Ba, xa Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị vào vùng đất kinh thành Huế để giúp nhà Vua bắt cọp dữ. Công việc bắt cọp để yên dân trở thành nhiệm vụ quốc gia được triều đình giao cho dân làng Thuỷ Ba. Theo đó, nhiều trai tráng của làng Thủy Ba được vua Nguyễn ban tặng phong sắc, của cải… như “Ngân vàng, Ngân bạc” vì tài năng bắt cọp dữ và một số người được phong tặng danh hiệu người đứng đầu lính vọng thành để bảo vệ triều đình Huế....

Ông Nguyễn Quang Chiến - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị: “Theo lời kể thế kỷ 18 đầu 19, làng Thủy Ba có một đội quân được triều đình nhà Nguyễn đưa vào bắt cọp tại Ải Thừa Thiên và trong đó ông Nguyễn Cầu làm tổ trưởng, và Nguyễn Chẻng làm tổ phó. Quá trình vây rắp Ải Thừa Thiên thì bắt được 5 con cọp, trong đó có một cọp đực và một cọp cái và ba cọp con. Tài bắt cọp làng Thủy Ba được triều đình tặng cho tổ trưởng và tổ phó 2 đồng tiền vàng và xuất phát việc bắt hỗ làng Thủy Ba tạo khí thể phấn khởi để bà con lao động sản xuất và yên tâp trong quá trình đánh giặc”.

Phát huy giá trị to lớn của các thế hệ cha anh, các thế hệ con cháu của làng Thủy Ba nói riêng và xã Vĩnh Thủy nói chung đã chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn thách thức xây dựng quê hương giàu mạnh và đã trở thành địa phương cấp xã duy nhất của tỉnh Quảng Trị vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kì đổi mới./.