Về vùng đất 126 làng nghề thủ công gặp những người "giữ lửa"

Huyện Thường Tín, Hà Nội là địa phương có truyền thống lịch sử, văn hóa đặc sắc, vốn được mệnh danh là “đất trăm nghề” với 126 làng nghề thủ công rải rác khắp huyện. Nếu như xã Quất Động luôn tự hào là cái nôi của nghề thêu thì xã Đông Cứu lại có niềm tự hào, hãnh diện đặc biệt khi là làng duy nhất thêu long bào ở Hà Nội. Song cả hai đều nỗ lực giữ lửa với tâm huyết, tình yêu nghề và quê hương.

Nếu như người thợ thêu trong vùng Thắng Lợi, xã Quất Động luôn tự hào mình là cái nôi của nghề thêu thì xã Đông Cứu lại có niềm tự hào, hãnh diện đặc biệt khi là làng duy nhất thêu long bào ở Hà Nội. Cả hai ngôi làng đều nỗ lực giữ lửa với những tâm huyết, tình yêu với nghề và mảnh đất quê hương.

Theo các nghệ nhân cao niên, nghề thêu đã xuất hiện ở Thắng Lợi từ giữa thế kỷ XV.  Trải qua thăng trầm của thời gian, nghề thêu tay Thường Tín cũng có nhiều chuyển biến để thích ứng với sự phát triển của xã hội, đồng thời bảo tồn và lưu giữ được nghề truyền thống. Hơn 60 năm làm nghề, người nghệ nhân tài ba Nguyễn Quốc Sự của làng nghề thêu tay Thắng Lợi đã tạo ra hàng trăm tác phẩm đặc sắc với nhiều chủ đề đa dạng từ truyền thống đến hiện đại, từ trong nước đến ngoài nước. Đặc biệt, trong đó có không ít tác phẩm để đời của ông như bức tranh thêu truyền thần chân dung của Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp hay những bức tranh tái hiện lịch sử.

Lại một mùa xuân mới đến, người nghệ nhân lão thành này lại thêm một tuổi, thế nhưng dù đã ngoài 80 nhưng nhiệt huyết với nghề truyền thống của ông chưa bao giờ vơi cạn. Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự vẫn cần mẫn hàng ngày cùng đường kim, mũi chỉ, vẫn nhiệt huyết truyền nghề cho thế hệ sau để tiếp nối hành trình lịch sử hơn 400 năm của làng nghề, để thế hệ con cháu thêm hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử của dân tộc được lưu giữ trong hồn cốt của làng nghề.

Nghệ nhân NGUYỄN QUỐC SỰ: “Để có thể giữ được cái nghề đấy thì con người ta phải có một cái sự đam mê, và thấy sâu trong đó có nhiều cái văn hóa của dân tộc rất đáng quý. Và hai nữa nó rất nhân văn, nuôi sống được con người và giúp con người sống sung túc hơn về mặt kinh tế. Khi bước vào nghề thì phải tỉ mỉ, cần cù, truyền lại cho đời con đời cháu để gìn giữ nghề thêu cho thế hệ sau và cũng là gìn giữ cái văn hóa của đất nước.”

Khác với nghề thêu tay ở xã Thắng Lợi, Làng Đông Cứu lại mang nét đặc trưng, độc đáo khi được coi là làng nghề thêu đặc biệt nhất của huyện Thường Tín nói riêng cũng như cả nước nói chung. Bởi, đây là làng nghề duy nhất phục chế long bào, hoàng bào thông qua từng đường kim, mũi chỉ. Theo Nghệ nhân nhân dân Vũ Giỏi – người duy nhất trong làng nghề phục dựng được cách thêu cung đình, thì thêu trang phục cung đình phải tuân thủ theo rất nhiều quy tắc. Chẳng hạn, long bào của Vua dù có thêu bao nhiêu mũi thì các mũi phải đều tăm tắp về khoảng cách, độ dài. Chỉ thêu long bào phải là chỉ se hai chiều, trong khi áo Hoàng hậu lại là chỉ se một chiều. Riêng long bào của Vua, mỗi gam mầu lại có năm sắc độ khác nhau, cho nên phải dùng khoảng 200 mầu chỉ thêu. Đó là chưa kể một loạt kỹ thuật đặc biệt được ứng dụng trong thêu những họa tiết khó, phức tạp .   

Nghệ nhân nhân dân VŨ GIỎI: “Sau những năm 90, có cái văn hóa phục hồi lại, gìn giữ lại tất cả các bản sắc văn hóa, nhất là cái văn hóa trang phục của các triều đại phong kiến, có những họa tiết hoa văn trong cung đình là cái mà các cụ đã bao nhiêu công sức làm ra, trong khi đó tôi trong nghề, tôi nhìn thấy cái nét văn hóa đó thì từ bấy giờ nó cứ đam mê và nó nhiễm vào, cứ theo dần và quá đam mê để làm sao gìn giữ lại được cái nghề thêu cung đình của các cụ ngày xưa” 

Kỹ thuật thêu Đông Cứu có nhiều điểm đặc trưng mà không phải nơi nào cũng có như: nhồi vòng quanh kim tuyến, thêu quắn... các kỹ thuật này tạo ra chênh lề, ghệch độn hết sức độc đáo mà nghệ nhân thêu gọi đó là ngôn ngữ thêu. Cũng chính vì nó độc đáo và đặc biệt như vậy nên việc giữ lửa cho nghề luôn được các nghệ nhân trong làng quan tâm, trăn trở vì họ hiểu rằng mỗi sản phẩm làm ra không chỉ để bày bán, mà đối với họ đó còn là tác phẩm nghệ thuật, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống để thế hệ sau có cơ hội chiêm ngưỡng và tự hào.

Nghệ nhân nhân dân VŨ GIỎI: “Mỗi đất nước đều có một nét văn hóa riêng và làng nghề cũng có nét văn hóa riêng, tôi rất mong muốn gìn giữ được những nét văn hóa của nghề thêu để truyền lại cho con cháu.”

Dẫu thời gian có trôi qua, mỗi năm sẽ mang đến những câu chuyện cuộc sống khác nhau nhưng những nghệ nhân  nơi đây sẽ mãi mang trong mình sự nhiệt huyết và ước mong giữ lửa làng nghề cũng như những khát vọng về một tương lai nhiều khởi sắc.

Nhật Thảo