Vì sao đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn tiếp tục “chạy lòng vòng”

Chiều 13/9, Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022.

Nêu thực tế vẫn còn tình trạng “đơn chuyển lòng vòng”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cần sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng khi nhận đơn không phải thẩm quyền giải quyết thì trả lại đơn và hướng dẫn công dân chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: "Tại sao đơn chuyển lòng vòng, hiện nay thì đơn những cơ quan có thẩm quyền xử lý đơn này rất là nhiều và trong nhiều luật của chúng ta quy định cứ khi nhận khi có đơn gửi đến thì cơ quan ấy buộc phải nhận và sau đó để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì chúng tôi đề nghị là cần phải sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng là khi nhận được đơn mà không đúng thẩm quyền, không phải thẩm quyền giải quyết của mình thì trả lại đơn và hướng dẫn người khiếu nại gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tránh tình trạng là chúng ta chuyển đơn lòng vòng."

Có ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về tỉ lệ văn bản chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn chưa đúng, đề nghị làm rõ các số liệu trong báo cáo.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: "Nhiều công dân khiếu nại hầng chục năm mà không có chế tài xử lý, xem là khiếu nại, tố cáo tập thể rồi sau đó là có một vài hộ khiếu nại, tố cáo báo cáo mà ý tố cáo từ ở dưới cấp huyện lên tới cấp tỉnh, cấp tỉnh là trả lời sau cùng lại tiếp tục khiếu là tới Trung ương đến Quốc hội rồi, v.v rất là nhiều nhưng mà cũng không có chế tài. Đương nhiên có những việc mà lãnh đạo ở đến cấp tỉnh và xử lý vẫn chưa đúng nhưng mà có những một số việc đã xử lý đúng rồi nhưng mà vẫn khiếu nại mãi ý đó thì các cơ quan trung ương nhận được cũng nóng ruột vào xử lý thì làm cho quá trình xử lý nó vòng lòng, vòng lòng vòng và nó nhiều năm chưa chấm dứt."

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần thể hiện rõ thực trạng đơn thư vượt cấp, xác định cách giải quyết; với đơn thư chuyển lòng vòng thì cần làm rõ trường hợp nào do trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức chưa làm hết trách nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Có nhiều trường hợp lòng vòng thì lại cũng do là mình lẩn tránh trách nhiệm. Có người bảo là chúng em giải quyết rồi ấy mà vẫn giải quyết. Những người xem lại những ngày xưa giải quyết rồi nhưng bây giờ nó phát sinh tình huống mới. Biết đâu thời kỳ trước anh giải quyết nó không đúng, hoặc là nó bỏ sót đi. Bây giờ phải sửa sai nhưng mà đã làm hết sạch trách nhiệm rồi bảo bây giờ không còn gì khác nữa thì bây giờ phải trả lời dứt khoát cho người dân để như các đồng chí nói nó tránh trường hợp người ta cứ lòng vòng."

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần thực hiện tốt cơ chế hòa giải, thương lượng trong giải quyết các vụ việc dân sự; thực hiện tốt cơ chế đối thoại trong giải quyết các vụ việc về hành chính…, góp phần giải quyết tốt hơn đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan, hoàn thiện báo cáo.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc với dự thảo Nghị quyết tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hoàng Hương