Vì sao số giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động lệch so với ước tính 1/2?

Sáng 13/9, Ủy ban Xã hội tổ chức phiên họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Theo Báo cáo, 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27%, đạt mục tiêu; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cuối năm 2022 dự kiến giảm khoảng 1% so với cuối năm 2021.

Đánh giá cao các kết quả đạt được, các thành viên Ủy ban cũng chỉ ra một số nội dung chưa đạt, chưa rõ về số liệu và cần làm rõ nguyên nhân như: Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài; Việc thực hiện chính sách, pháp luật tại các địa phương đối với người cao tuổi, người khuyết tật; Tình trạng tệ nạn xã hội thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp; Việc tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, tỷ lệ nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ thấp hơn so với dự kiến ban đầu.

Ông LÂM VĂN ĐOAN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: "Chính sách về hỗ trợ nhà ở thực hiện được cơ bản ở 60/63 tỉnh thành, số giải ngân được 58.58% còn thấp, chênh lệch ½ so với ước tính ban đầu."

Ông TÀO BẰNG HUY, Phó Cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: "Một số địa phương do tình hình dịch bệnh nên lập danh sách và thống kê dư ra, ví dụ như tính cả đối tượng lao động không có quan hệ lao động mà thuê nhà ở. Khi dự kiến kinh phí hầu hết tính toán đủ 3 tháng tiền thuê nhà, nhưng khi thực hiện nhiều lao động chỉ 1 tháng thuê nhà nên chi phí giảm đi. Ngoài ra, dự trù đối tượng quay trở lại thị trường lao động cao nhưng thực tế quay trở lại thấp".

Bộ LĐTB&XH nêu kiến nghị, Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực lao động của chính quyền địa phương các cấp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi chính sách của ngành ở địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Nhật Huy