Vị thành niên 15 -18 tuổi có thể giữ quyền sáng lập và quản lý tổ hợp tác

Thảo luận về Luật Hợp tác xã (sửa đổi), một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là đưa mô hình Tổ hợp tác vào dự án Luật. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng đề nghị làm rõ những quy định được nêu trong dự án Luật.

Nhiều ý kiến đồng tình việc đưa mô hình tổ kinh tế hợp tác vào dự thảo Luật vì hiện nay có hơn 100.000 tổ hợp tác đang hoạt động. Đây cũng là mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là tại các địa phương miền núi, vùng nông thôn nhưng hoạt động còn lỏng lẻo.

Ông Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: “Tính tích cực của các mô hình này là nó rất phù hợp đối với các nhu cầu của người dân, nhất là vùng nông thôn, nhưng mô hình này hoạt động cũng chưa hiệu quả, không ổn định do vậy, việc đưa tổ hợp tác vào quy định tại dự thảo Luật, một mặt định vị rõ địa vị pháp lý của tổ hợp tác, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên".

Tuy nhiên các đại biểu nhận định, quy định về Tổ hợp tác còn khá mờ nhạt và đề nghị rà soát để đảm bảo phù hợp với Bộ luật Dân sự. Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu ví dụ, quy định cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể trở thành thành viên tổ hợp tác nhưng không được tham gia thành lập, quản lý đang hạn chế quyền của các thành viên trong độ tuổi này.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: “Tổ hợp tác cũng rất đa dạng, hoạt động trong rất nhiều mục đích khác nhau nên có những loại tổ hợp tác không bắt buộc phải thanh niên, 15-18 tuổi hoàn toàn có thể tham gia vào đó, nhưng dự thảo luật đang hạn chế quyền sáng lập và quản lý, chưa nói tới mối quan hệ trong Bộ luật Dân sự nhưng như vậy cũng có những điểm không thực sự phù hợp.”

Khẳng định điều cốt lõi trong quy định pháp luật là tổ hợp tác được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ ra những điểm còn mâu thuẫn trong dự Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Tổ hợp tác ở đây tiếp tục quy định như vậy nhưng đặt ra những thủ tục nặng nề hơn, phức tạp hơn so với trong luật hiện hành, bắt nó phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện. Tôi vừa nói điểm e khoản 1 Điều 103 "được tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác của Nhà nước", tốt quá. Nhưng sang Điều 109 thì các đồng chí lại nói là tiêu chí được hưởng chính sách là phải có tư cách pháp nhân, có nghĩa là loại toàn bộ tổ hợp tác ra khỏi đối tượng hưởng thì không hợp lý chút nào, chỗ này phải thiết kế lại.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với những chính sách khuyến khích tổ hợp tác, phương thức chuyển đổi từ tổ hợp tác thành hợp tác xã nếu thấy chín muồi có thể quyết định một số vấn đề ở lần sửa Luật Hợp tác xã này. Bên cạnh đó, Chủ tịnh Quốc hội cho rằng, thay vì chỉ chú trọng số lượng thì cốt lõi là quy mô hợp tác xã phải lớn lên.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Xu hướng quan trọng hơn là người ta khuyến khích mở rộng hội viên, khuyến khích độ to của nó, số lượng doanh nghiệp hợp tác xã và tổ hợp tác có thể không tăng nhanh nhiều nhưng quy mô phải lớn lên, vì thế nên giữ quy mô của thành viên hợp tác xã là 7 như luật hiện hành, không nên giảm, nên chăng có quy định về phát triển thành viên, kết nạp thành viên - coi đây là nghĩa vụ của tổ chức kinh tế tập thể này". 

Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ điều kiện để chuyển đổi Tổ hợp tác thành HTX như các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động… sao cho phù hợp với các quy định trong dự Luật và phù hợp với điều kiện thực tế.

Nguyễn Duyên