• 3274 lượt xem
  • 06:13 27/04/2022
  • Xã hội

Việt Nam chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu

Hôm nay (26/4), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Theo các đại biểu tham dự hội thảo, những cam kết mạnh mẽ và những đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Trước bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 đang được ráo riết hoàn thiện, nhằm cập nhật những xu thế mới của quốc tế cũng như định hướng rõ các vấn đề cấp bách, ưu tiên gắn với việc thực hiện Thỏa thuận Paris, các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, đến nay, dự thảo Chiến lược cũng đã được gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương trên cả nước, tham vấn các nhà khoa học… Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cũng như các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26”.

Ông WEERT BÖRNER, Đại biện lâm thời, Đại sứ quán Đức tại Hà Nội: “Với việc hoàn thành Dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” chỉ 5 tháng sau COP26, Chính phủ Việt Nam tiếp tục gửi đi thông điệp mạnh mẽ về tham vọng khí hậu. Dự thảo Chiến lược mới cho thấy, mục tiêu trung hòa khí hậu của Việt Nam tuy rất tham vọng và đầy thách thức nhưng khả thi. Dự thảo Chiến lược đóng góp một phần cực kỳ quan trọng vào cuộc tranh luận quốc gia về cam kết phát thải ròng bằng “0” và những cuộc thảo luận này vẫn cần được tiếp tục sau khi Chiến lược được phê duyệt”. 

Quan điểm xuyên suốt của dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 khẳng định, biến đổi khí hậu là xu thế không thể đảo ngược và là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Thích ứng với biến đổi khí hậu và mục tiêu phát thải ròng bằng "0" là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân. 

Với sự tham vấn của đại diện các quốc gia, các tổ chức quốc tế, dự thảo hướng tới hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về biến đổi khí hậu trước năm 2030; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ngoại giao khí hậu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhật Huy