Việt Nam điểm báo: Ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trên báo nước ngoài

Tờ Korea Times của Hàn Quốc dẫn một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nhận định Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một thị trường lớn cho các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc. Trong khi đó, trang Fulcrum của Singapore cũng có bài phân tích cho rằng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang trên đà phát triển rất nhanh.

Với tiêu đề “Việt Nam dần trở thành thị trường chip lớn cho các doanh nghiệp bán dẫn Hàn Quốc”, tác giả dẫn báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nhấn mạnh “Việt Nam đang nổi lên như một nguồn cầu mới đối với chất bán dẫn của các công ty Hàn Quốc, trong bối cảnh nước này đang vươn lên thành cơ sở sản xuất quốc tế cho các thiết bị công nghệ thông tin. Đặc biệt, Việt Nam hiện cũng là nơi đặt cơ sở sản xuất của các nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn bậc nhất thế giới. Chất bán dẫn của các doanh nghiệp Hàn Quốc được sử dụng làm hàng hóa trung gian tại Việt Nam để sản xuất các thành phẩm công nghệ thông tin".

Bài viết với tiêu đề “Việt Nam liệu có được hưởng lợi từ “cơn sốt chip” toàn cầu hay không?” trên trang Fulcrum mở đầu với thông tin, hiện hầu hết chip xuất khẩu của Việt Nam là do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất. Dù không có thống kê chi tiết về chất bán dẫn, nhưng số liệu từ Chính phủ Việt Nam cho thấy 98% xuất khẩu sản phẩm điện tử là từ các dự án FDI.

Ngay từ năm 2012, Việt Nam đưa ra tầm nhìn chiến lược về chất bán dẫn và chính phủ coi các sản phẩm này là “hàng hóa và dịch vụ trọng điểm quốc gia”. Việt Nam đã xoay trục sang chất bán dẫn, để từ đó có thể nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, dịch chuyển khỏi mô hình lao động giá rẻ và hiện đại hóa nền kinh tế phù hợp với tầm nhìn 2045.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào FDI. Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chủ yếu là khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa tập trung
sản xuất sản phẩm bán dẫn ở trong nước. Chính phủ Việt Nam kỳ vọng thúc đẩy khả năng tự lực và nuôi dưỡng các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực chất bán dẫn. Tuy nhiên, do ngành sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi nhiều vốn và để xây dựng một nhà máy có thể tiêu tốn nhiều tỷ USD, nên cách tiếp cận thực tế là khuyến khích các nhà sản xuất chất bán dẫn quốc tế thành lập nhà máy tại Việt Nam, đồng thời tăng cường vai trò của các nhà cung cấp trong nước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!