• 1104 lượt xem
  • 21:31 21/05/2022
  • Kinh tế

Việt Nam xếp thứ 70/100 về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số

Tại Hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 do Viện Nghiên cứu tế và chính sách – Đại học Kinh tế ĐHQGHN và Viện Fredrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức, sau khi đã xem xét các yếu tố trong và ngoài nước như lạm phát gia tăng, xung đột tại Ukraine, các chuyên gia dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,4 đến 6,1% trong năm 2022.

Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phát triển chung của thế giới đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid căng thẳng, các giải pháp số đã ra đời và thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng khi đạt thứ hạng 70 trên thang điểm 100 về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số. Theo số liệu, 50% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư triển khai công nghệ cho vận hành nội bộ, 36.76% doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo nhân sự từ xa. 

TS. Trần Toàn Thắng - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia “Tôi cho rằng chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số là hoàn toàn cần thiết bởi vì có những điểm mà chúng ta phải đi tắt đón đầu. Dịch vụ là một trong những ngành mà chúng ta dễ chuyển đổi số hơn và có thể đi tắt đón đầu được.”

Chuyển đổi số ngành dịch vụ tại Việt Nam được các chuyên gia nhấn mạnh ưu tiên phát triển ở 5 lĩnh vực chính là Y tế, giáo dục, thương mại điện tử, tài chính ngân hàng và logistics. Một trong những mục đích chính là tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh nhằm thu hút nguồn vốn FDI. 

TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN: “Đối với Việt Nam, thách thức lớn nhất là nền tảng cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, sự kết nối ví dụ như kết nối thông tin của các cổng thông tin nhà nước với các bộ ngành, với các doanh nghiệp, với các địa phương vẫn là các thách thức cơ bản để có thể tạo điều kiện môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.”

Tại buổi hội thảo các chuyên gia cũng đề xuất cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước. không chỉ các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng cần được quan tâm tạo điều kiện gia nhập nền kinh tế số.

Như Hiền