Vĩnh Phúc: Khai thác đất quy mô lớn bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp phản ánh của người dân

Khai thác trái phép quy mô lớn, ngang nhiên bán khoáng sản cho các cơ sở có nhu cầu làm gạch, không chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản... Đây là những gì đang diễn ra trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Vị trí khai thác này thuộc thôn Đồng Quyền, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch. Mọi hoạt động khai thác diễn ra rầm rộ, công khai với quy mô lớn. Dù đã hết thời hạn được cấp phép khai thác, song phía Công ty Thủy Mộc vẫn ngang nhiên mang đất ra ngoài như thế này.

Ông LÊ XUÂN BÌNH - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc: “Chúng tôi cũng giao nhiệm vụ cho ông trưởng thôn trực tiếp đứng giám sát. Nếu phát hiện có xe vận chuyển đất ra ngoài thì báo cho Ủy ban nhân dân xã. Đồng thời phân công cho một công chức xã về nông nghiệp môi trường hàng ngày xuống giám sát nhưng do đồng chí đang bị Covid-19 nên có thể chúng tôi chưa nắm bắt kịp thời.”

Còn tại khu vực xã Liễn Sơn, là vị trí mỏ của Công ty Bắc Ái. Công ty này liên tục được tỉnh Vĩnh Phúc gia hạn đóng cửa mỏ từ nhiều năm nay, và đất vẫn ngày ngày được tuồn ra ngoài. Đáng chú ý, các quyết định nêu rõ chỉ được san gạt tại chỗ, trồng cây cải tạo môi trường và mang đất dư thừa tới các vị trí đổ được quy định.

Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANH - Quản lý mỏ Công ty Bắc Ái: “Các xe chở đất này trở về Trại Vĩnh Linh, xã Đạo Trù, mang cả lên Hoàng Lâu để làm gạch 2 lỗ đấy…”

Đối diện với nhà văn hóa thôn Đồng Quyền là khu vực mỏ của Công ty TNHH MTV Thương mại và Khai thác khoáng sản Miền Bắc, được cấp phép khai thác đất san lấp. Tuy nhiên, nhìn những hình ảnh này có thể nhận thấy đất ở đây màu trắng, bở giống với đất cao lanh, loại khoáng sản có giá trị cao.

Ông TRẦN VĂN LƯƠNG - Phó Chủ tịch UBND xã Tử Du, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc: “Về thẩm quyền kiểm tra chất đất thuộc về cấp tỉnh. Để xác định được có phải cao lanh hay không thì xã không đủ cơ sở vật chất, cũng không xác định được”

Tuyến đường liên xã này vốn dĩ chẳng dành cho những chiếc xe tải 4 – 6 chân. Vậy mà nhiều năm qua vẫn phải oằn mình chống đỡ. 

Bà NGUYỄN THỊ THÚY - Xã Liễu Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc: “Ngày qua ngày, tháng qua tháng, bao nhiêu năm nay lấy hết cả đất bãi bên trong. Có những ngày xe lấy đất nối đuôi nhau 15 -20 xe to, xe đầu kéo,…rồi 4-5 máy xúc ra vào tấp nập, bụi như hỏa mù…”

Bà NGUYỄN THỊ HIỀN - Xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc: “Mỏ đất khai thác liên tục suốt từ 12 rưỡi 1 giờ. Dân không được nghỉ. Nào ô tô, nào máy cẩu. Đường có như đây, xe thì lừng lững, người dân đi không còn biết tránh vào đâu.”

Theo quy định tại Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Nhưng trên thực tế các mỏ khai thác ở đây đều không chấp hành.

Hữu Nghĩa