Vụ cầu vượt bị treo 10 năm: Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu cam kết tiến độ

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trực tiếp từ phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam khu vực miền Trung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức khảo sát thực địa, làm việc với các bên liên quan qua đó yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết đảm bảo tiến độ.

>> Thừa Thiên - Huế: Dự án cầu vượt 10 năm chưa xong

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã khảo sát hiện trường, nắm bắt thực tế yêu cầu các bên liên quan báo cáo sự việc. Theo đó, nguyên nhân là do dự án bị cắt vốn hoặc bố trí nhỏ giọt; năm 2010 tỉnh bố trí 73 tỷ đồng và tới năm 2019 là 192 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũng thừa nhận đã chủ quan khi chưa đánh giá kỹ phân kỳ đầu tư cũng như dự báo rủi ro. 

Ông NGUYỄN ĐĂNG TRƯỜNG - Giám đốc BQL dự án Công trình Giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế: “Hiện nay tiếp tục triển khai hoàn thành cầu vượt đường sắt. Năm 2022 sẽ hoàn thành nửa liên cầu, giải phóng mặt bằng tái định cư dân xung quanh cầu vượt hơn 40 hộ, chúng tôi sẽ kiểm đếm xây dựng. Đến năm 2023 khi người dân giao mặt bằng chúng tôi sẽ tiếp hoàn thảnh nửa cầu này, hết năm 2023 sẽ hoàn thành 5 cây cầu trọng yếu trên tuyến này”.

Ông NGUYỄN ĐÌNH BÁCH - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế: “Huyện đang chỉ đạo Trung tâm Quỹ đất phối hợp chủ đầu tư để xây dựng các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng. Thời gian qua cử tri có kiến nghị đường dở dang, làm mất mỹ quan, phải đầu tư hoàn thiện thì kiến nghị trung ương quan tâm, bố trí vốn để xong dự án sớm đưa Phong Điền thành thị xã”.

Đoàn công tác cho rằng, năm 2022, tỉnh đã bố trí thêm 94 tỷ đồng, vì vậy yêu cầu chủ đầu tư cam kết đảm bảo cả tiến độ lẫn chất lượng dự án, Đoàn sẽ tiếp tục giám sát trong quá trình thi công.

Bà NGUYỄN THỊ SỬU  - Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: “Qua khảo sát, chúng tôi thấy có lý do khách quan lẫn chủ quan dẫn đến chậm tiến độ cầu vượt đường sắt thuộc dự án đường cứu hộ cứu nạn tại huyện Phong Điền. Làm việc, trao đổi, báo cáo chúng tôi thấy thông tin của ngành chức năng, đơn vị thi công, chủ đầu tư là có chính đáng, tạo điều kiện để tiếp tục. Về phía chủ đầu tư đã cam kết hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch 2022-2023 để hạng mục cầu vượt sớm đưa vào sử dụng”.

Một dự án kéo dài dù có nguyên nhân khách quan là thiếu vốn cũng cần được phân tích nghiêm túc trách nhiệm trong công tác dự báo, đầu tư, triển khai thi công. Qua đó rút ra bài học tránh tình trạng dự án treo trong tương lai, gây ảnh hưởng đời sống dân sinh cũng như lãng phí nguồn lực đất nước./.

Tiểu Bảo