Vướng mắc trong triển khai môn Giáo dục địa phương thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Giáo dục địa phương là một trong những môn học mới thuộc Chương trình GDPT 2018, được dạy xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Đến nay, môn học này đã được triển khai tới khối lớp 3 của bậc tiểu học, khối lớp 7 của bậc THCS và năm đầu tiên của bậc THPT. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều chỉ có thể giảng dạy bằng tài liệu điện tử.

Giáo dục địa phương là môn học cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản, thực tế về tỉnh thành nơi sinh sống như lịch sử, địa lý, văn hóa, nghệ thuật,… bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương. Môn học này được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh biên soạn, trình UBND cấp tỉnh thẩm định, sau đó báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên sau khi đã biên soạn, thẩm định, hầu hết các địa phương không thể in ấn.

Việc biên soạn tài liệu địa phương như một môn học chính thức trong chương trình thực tế không khác gì biên soạn một cuốn sách giáo khoa. Tuy có thông tư hướng dẫn mức chi trong quá trình biên soạn, tuy nhiên việc hưởng nhuận bút sau khi phát hành sách vẫn chưa có hướng dẫn khiến nhiều tác giả băn khoăn, chưa thể thống nhất trong phát hành tài liệu này.

Đến nay, hầu hết học sinh tại các địa phương đều chỉ học môn này bằng tài liệu điện tử. Điều này có thể không mấy ảnh hưởng đến những khu vực có điều kiện kinh tế phát triển, tuy nhiên sẽ thêm phần kéo giãn khoảng cách giáo dục tại các khu vực còn khó khăn khi lại thêm một môn học nữa mà các em học sinh không thể được học với đầy đủ tài liệu học tập.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Đỗ Minh