• 1231 lượt xem
  • 14:54 30/01/2022
  • Kinh tế

Hà Nội: Hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn tại Mê Linh, cấp hàng cho chuỗi siêu thị

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, để có thể vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, thì việc chủ động kết nối sản xuất nông sản, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm của các địa phương trong hệ thống các siêu thị được đánh giá là một trong những giải pháp bền vững hiện nay.

Đây là một trong những khu đất của Hợp tác xã dịch vụ Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, với diện tích hơn 200 ha chủ yếu trồng củ cải và các loại rau ăn lá. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là chợ đầu mối ở các tỉnh thành, đến nay, các sản phẩm của xã Trắng Việt đã và đang từng bước được thu mua và bày bán tại một số hệ thống siêu thị trên toàn quốc. 

Ông Đàm Văn Đua - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội: “Với 5 ha rau VietGap, 134,68 ha rau an toàn và các vùng lân cận thì chúng tôi đều quản lý. Đầu ra của chúng tôi thứ nhất là các siêu thị ví dụ như Vincom, Vinmart+ nhưng số lượng chỉ là 1 phần, còn các chợ đầu mối và các tỉnh lân cận ví dụ như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hoá, Nghệ An hoặc là các tỉnh lân cận trên cơ sở miền bắc thì chúng tôi đáp ứng nhu cầu cho thị trường rộng lớn. Hằng ngày chúng tôi đang xuất ra thị trường khoảng độ từ 100 đến 200 tấn”.

Sản xuất nông nghiệp tại Mê Linh đã hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn như vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng rau an toàn, vùng trồng hoa, vùng chăn nuôi tập trung và đều có khả năng tiêu thụ trong hệ thống chuỗi cung ứng của các siêu thị lớn.

Ông Phạm Thành Đô - Trường phòng Kinh tế huyện Mê Linh: “Để tạo ra các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi đã tổ chức tập huấn huớng dẫn các Hợp tác xã và hình thành các Hợp tác xã với các chủ thể sản xuất để tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời cũng tăng cường các mối liên kết với tiêu thụ nông sản phẩm qua hệ thống siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể. Đặc biệt chúng tôi phấn đấu tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, nhãn mác, bao bì để đưa vào hệ thống siêu thị để giúp góp phần thúc đẩy sản xuất cho bà con nông dân”.

Thời gian qua, việc các hệ thống siêu thị lớn trên toàn quốc thu mua nông sản tại các địa phương, điều này không chỉ giải quyết việc cung ứng sản phẩm nông sản đặc sản tươi ngon tới người tiêu dùng mà đây còn là cách giải quyết đầu ra bền vững cho bà con nông dân khi tình hình dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Chị Văn Thị Phương- Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội: “Tôi thường xuyên mua rau củ quả ở siệu thị Winmart này, khi tôi mua ở đây tôi rất là tin tưởng và hy vọng siêu thị sẽ có nhiều biện pháp để hỗ trợ bà con nông dân để quảng cáo sản phẩm của mình để tiêu thụ được tốt hơn”. 

Bà Nguyễn Thị Nhung - Trưởng bộ phận thu ngân, dịch vụ khách hàng, siêu thị Vinmart: “Với tiêu chí mang các sản phẩm đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn tươi ngon tới tay người tiêu dùng, chúng tôi luôn luôn đảm bảo lượng nguồn hàng cung ứng cho khách hàng. Các nông sản của các địa phương mà chúng tôi lựa chọn từ con giống, vật nuôi, giống cây trồng và thổ nhưỡng đất đai ở đất, việc kết nối thu mua đang dần theo hướng chu trình khép kín để làm sao có sản phẩm tốt nhất tới tay người tiêu dùng”.

Việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp cho người tiêu dùng những loại nông sản tốt nhất. Từ đó, đảm bảo đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất cũng như phục vụ nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng.

Ngô Trang