Sáng ngày 02/03, Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng internet. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Xuân Phương chủ trì buổi làm việc.
Tại cuộc làm việc, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ cho giáo viên để đảm bảo an toàn thông tin trong dạy học trực tuyến.
Các ý kiến tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những tồn tại, bất cập trong việc sử dụng thông tin trên môi trường mạng của học sinh cũng như những khó khăn trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh, sinh viên nhà giáo về Internet, an toàn thông tin, an ninh mạng. Đánh giá cụ thể việc giảng dạy môn tin học ở các cấp học phổ thông và những khó khăn nếu có về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên.
Ông TÔ HÙNG NAM, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo: “An toàn thông tin là rất quan trọng. Thời gian qua, Bộ đã rà soát, thuê các đơn vị để phát hiện các lỗ hổng. Nếu để có lỗ hổng, có thể có tin tặc chiếm quyền điều khiển, tung thông tin xấu độc là rất nguy hiểm."
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ đã tập trung nhiều vào việc quản lý thông tin trên môi trường mạng trong giai đoạn học trực tuyến. Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, tin học trở thành môn học bắt buộc với tất cả học sinh từ lớp 3. Nội dung sử dụng Internet an toàn, lành mạnh được triển khai vào chương trình tin học từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua chủ đề dạy học đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số.
Bà NGÔ THỊ MINH, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Bộ cũng có chỉ đạo quyết liệt để an toàn mạng trong học trực tuyến, vai trò tham mưu, rà soát các nghị định, thông tư quy định về việc học trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó, việc chuyển học trực tiếp sang trực tuyến thời gian dài, những hệ quả của học trực tuyến dài ngày, sự kiểm soát chưa được chặt chẽ, thiết bị chưa đảm bảo…là những vấn đề mà Đoàn giám sát đã chỉ ra và trao đổi…”
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương ghi nhận các ý kiến đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn trong công tác giáo dục an toàn thông tin mạng cho học sinh, sinh viên. Đồng thời cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giảng dạy tin học trong nhà trường; có các giải pháp nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh, sinh viên về ý thức và kĩ năng tiếp nhận thông tin.
Ông ĐẶNG XUÂN PHƯƠNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Qua khảo sát cho thấy nhiều tỉnh có đề nghị quan tâm bố trí biên chế làm công tác công nghệ thông tin và an ninh mạng trong nhà trường hoặc có cơ chế để sử dụng. Hiện nay một số trường sử dụng giáo viên dạy tin học để làm công tác này kiêm nhiệm. Vậy chế độ chính sách đối với đội ngũ này như thế nào?"
Phó Chủ nhiệm Đặng Xuân Phương cũng lưu ý, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong trong bối cảnh chuyển đổi số; cần lồng ghép các môn học kĩ năng sử dụng thông tin trên mạng cho học sinh, sinh viên vào các môn học khác./.
Thực hiện : Phan Hằng Quang Sỹ