Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự để lấp khoảng trống pháp lý

Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự - 1 đạo luật chung nhất, sẽ lấp khoảng trống pháp lý, tuy nhiên, cần phải làm rõ cơ sở xây dựng, ban hành đạo luật này, tránh chồng chéo với các quy định có liên quan.

Đây là nội dung được các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cơ quan, đơn vị đề nghị tại Hội thảo do Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phố hợp tổ chức sáng 6/9. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì và chỉ đạo Hội thảo.

Đây là dự án Luật có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực. Hiện nay, quy định về PTDS còn tản mác trong 75 văn bản quy phạm pháp luật, thiếu quy định chung nhất mang tính hệ thống từ giai đoạn phòng ngừa đến ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Các đạo luật chuyên ngành cũng thiếu quy định về phân cấp, phân quyền; phân loại cấp độ rủi ro hay các biện pháp của Nhà nước nhằm ứng phó, phòng chống, khắc phục hậu quả do chiến tranh, thiên tai, sự cố, thảm họa gây ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng: "Quan trọng là Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để sau khi báo cáo ra Quốc hội, báo cáo ra quốc dân đồng bào, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, xin ý kiến người dân để khi trình ra người ta cảm thấy thỏa đáng, thuyết phục. Đấy là nhiệm vụ của các đồng chí."

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết cần có 1 đạo luật quy định chung nhất về để ứng phó, kích hoạt các hoạt động PTDS cho tất cả các tình huống. Tuy nhiên cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh để thiết kế các điều luật, tránh sự chồng chéo trong hệ thống pháp luật./

Khắc Phục