Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo: 2022 có thêm 16 nghìn tỷ đồng từ 2021

Khoảng 16 nghìn tỷ đồng vốn của 2021 sẽ được chuyển nguồn cho năm 2022 nhằm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là chia sẻ từ Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh tại Hội nghị hôm 21/4.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phấn đấu thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng ít nhất thêm 1,5 lần so với năm 2020. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nông thôn, giảm nghèo bền vững. 

Về tiến độ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới, mục tiêu đặt ra đến năm 2025, cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện nay là 69,4%); 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước có từ 17-19 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (hiện có 5 tỉnh)… 

Chương trình giảm nghèo bền vững đặt mục tiêu hàng năm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1-1,5%, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%; trong cả giai đoạn sẽ có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Về phân bổ, huy động nguồn vốn triển khai, Phó Thủ tướng Trường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Quốc hội đã thông qua tổng nguồn vốn trong 5 năm từ đầu tư công, vốn sự nghiệp rất rõ ràng. Chính phủ đã phân bổ các hạng mục đến các tỉnh thành.

Phó Thủ tướng Thường trực PHẠM BÌNH MINH: “Quốc hội đồng ý chuyển nguồn vốn không thực hiện được của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, khoảng 16.000 tỷ đồng từ năm 2021 sang năm 2022. Trong năm 2022 cũng có quyết định phân bổ nguồn vốn này cộng với vốn của năm 2021, rất hi vọng, sau khi UBTVQH thông qua thì sẽ triển khai được ngay trong tháng 5 này”.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng yêu cầu trong tháng 5 tới, các bộ, ngành được phân công khẩn trương ban hành các thông tư đã được giao, phê duyệt các chương trình chuyên đề, dự án thành phần; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực PHẠM BÌNH MINH: “Rút kinh nghiệm từ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2015-2020, yêu cầu các Bộ và địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong thực hiện chương trình, nhất là quản lý, sử dụng kinh phí từ nhà nước; các dự án, chương trình phải được lập theo đúng quy định của đầu tư công và các quy định liên quan”.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần quan tâm tích cực ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin trong thực hiện các mục tiêu quốc gia; đặc biệt trong công tác tuyên truyền rộng rãi đến người dân; triển khai sâu rộng đến các cấp cơ sở; phát huy hiệu quả các phong trào thi đua; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Hà Lan