Xem xét lao động ngoài trại giam đối với “người tổ chức trong vụ án đồng phạm”

Các đại biểu Quốc hội tán thành với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu kỹ quy định “người tổ chức trong vụ án đồng phạm” không được đưa ra lao động ngoài trại giam.

Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định không đưa ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam đối với trường hợp người tổ chức trong vụ án đồng phạm là chưa hợp lý trong áp dụng chính sách hình sự, bởi người tổ chức trong vụ án đồng phạm có rất nhiều tính chất, mức độ nguy hiểm, hành vi phạm tội rất khác nhau. Có nhiều vụ án đồng phạm nhưng người tổ chức là người thực hiện hành vi với tính chất và mức độ ít nghiêm trọng.

Ông NGUYỄN HỮU CHÍNH, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Trong các vụ án đồng phạm về tội trộm cắp hay tội đánh bạc, người khởi xướng, người chỉ huy, người phân công các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội theo quy định pháp luật đây là người tổ chức nhưng những vụ án này thường là những vụ án rất ít nghiêm trọng. Nếu quy định người tổ chức trong trường hợp này không được tham gia lao động, hướng nghiệp, tôi e rằng là không đảm bảo nguyên tắc công bằng”.

Ông NGUYỄN THANH SANG, Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh: "Tôi ví dụ, người tổ chức trong vụ án trốn thuế mức cao nhất pháp luật quy định chỉ đến 3 năm tù, trong khi người tổ chức trong vụ án giết người mức hình phạt cao nhất đến tử hình. Tôi chỉ so sánh hai tội danh đó cũng đã thấy rằng sự phân hóa rất lớn. Một điều nữa, người tổ chức trong vụ án ít nghiêm trọng theo quy định của dự thảo lại nặng hơn đối với người thực hành, người giúp sức trong vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đây là một sự bất hợp lý mà tôi cho rằng là mấu chốt và nếu không sửa sẽ tạo nên bất bình đẳng".

Để phân hóa tội phạm và thống nhất trong áp dụng pháp luật, một số đại biểu đề nghị chỉ hạn chế các đối tượng này trong trường hợp là người tổ chức trong vụ án phạm tội có tổ chức thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Ông LÊ TẤT HIẾU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: “Có một số tội phạm có người đóng vai trò tổ chức, như tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255, tội tổ chức đánh bạc theo Điều 322, nhưng ở nhiều trường hợp đây cũng chỉ là đồng phạm giản đơn chứ không phải là phạm tội có tổ chức. Hơn nữa, qua nghiên cứu Bộ luật Hình sự, nhiều điều luật quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết định khung tăng nặng thì cũng chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng, có mức án cao nhất của khung hình phạt đến 3 năm tù”.

Giải trình với các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, những phạm nhân có tính chất, mức độ tội phạm nguy hiểm sẽ không được đưa ra lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam.

Đại tướng TÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an: “Các điều điều kiện khác, ví dụ như có từ 2 tiền án trở lên, tội phạm nguy hiểm, người tổ chức trong đồng phạm thì đây là những phạm nhân có thâm niên xấu, có tính chất, mức độ tội phạm nguy hiểm cần phải quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ trong các trại giam. Ngoài ra, Luật Thi hành án phạt tù trong trại giam cũng đã quy định những điều này. Trên cơ sở những quy định của pháp luật khác, chúng tôi lựa chọn để đưa ra những vấn đề này”.

Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2019, phạm nhân dưới 18 tuổi phải được bố trí giam giữ riêng. Việc tổ chức lao động dạy nghề, thực hiện chế độ chính sách cho những đối tượng này cũng phải có sự khác biệt so với các vi phạm nhân khác. Đối với phạm nhân là người 60 tuổi trở lên, phải có những biện pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe, tâm lý. Vì vậy, Bộ Công an cũng đề nghị không đưa các phạm nhân này vào diện lao động, hướng dạy nghề ngoài trại giam.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam