Lào Cai: Xóm chạy thận giữa lòng thành phố

Giữa lòng thành phố Lào Cai có một xóm dân cư được gọi với cái tên đặc biệt “Xóm chạy thận”. Gọi là xóm, nhưng thực chất là các khu phòng trọ tồi tàn, thiếu thốn mà người bệnh thuê để chạy thận dài ngày. Có những người mới chuyển đến vài tháng, nhưng cũng có người đã gắn bó gần 20 mươi năm. Mỗi hoàn cảnh, một số phận, họ vừa điều trị chạy thận lại vừa tìm kế mưu sinh.

Cả dãy phòng trọ đều chật hẹp, cũ kĩ và xuống cấp trầm trọng. Nhưng, đó là nơi ở của những người bệnh đang điều trị chạy thận. Cuộc sống thường ngày đã vốn khó khăn, nay lại mang trong mình căn bệnh nguy hiểm khiến những người phụ nữ này ngày càng tiều tuỵ.

Bà LÀNH THỊ VƯƠNG: Xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai: Lúc nào cũng thế, đau thận, lúc chạy thận cũng kéo đau ơi là đau không chịu được, giờ cũng phải quyết thôi, không chịu được, rất là khổ. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng do chi phí sinh hoạt và điều trị chạy thận tương đối lớn nên những người bệnh phải tìm cách mưu sinh để kiếm thêm thu nhập. Vài bó rau, củ tự tay trồng hay lon, ve chai nhặt ven đường cũng giúp họ có thêm đồng ra, đồng vào.     

Bà TRIỆU THỊ TAM: Xã Điện Quan, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: Nghìn hai nghìn thì mua mì chính, mua muối để ăn thôi, mệt quá không đi làm được.

Bà HOÀNG THỊ VƯỢNG: Xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai: Cũng được 1, 2 mới rau, chả được nhiều đâu. Có lúc được 20 nghìn, hay là 40 nghìn, hay là 30 nghìn cũng chẳng được nhiều đâu.

Bệnh viện tỉnh Lào Cai hiện đang điều trị cho hơn 170 bệnh nhân chạy thận. Mỗi tuần người bệnh sẽ nhập viện 3 lần để chạy thận. Do tình trạng sức khoẻ mỗi người bệnh khác nhau nên việc ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại trong phác đồ điều trị luôn được Bệnh viện đặc biệt quan tâm.

Bác sỹ LÊ THỊ KIM THÀNH: Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai: Hiện tại bệnh nhân ở xa đã được chạy bằng những ca mà người ta có thể đi về trong ngày, thuận tiện cho người ta và bổ xung thêm trang thiết bị để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, sức khoẻ ngày càng được cải thiện hơn.  

Sống chung với bệnh tật và cùng chung cảnh ngộ khó khăn, những người trong “xóm chạy thận” vẫn gắn bó, lạc quan. Với họ “xóm chạy thận” giống như mái nhà thứ hai, là điểm tựa để cùng nhau bước tiếp những tháng ngày khó khăn phía trước./.

Vũ Thắng