Xử lý hiệu quả nợ xấu: Cần thiết kéo dài nghị quyết 42

Rủi ro nợ xấu và áp lực lạm phát trong thời gian tới, việc kéo dài thực hiện nghị quyết 42 của Quốc hội và giải pháp xử lý nợ xấu là những vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng diễn ra chiều 8/6.

Bà HUỲNH THỊ PHÚC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: “Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định về rủi ro nợ xấu và áp lực lạm phát trong thời gian tới? Đồng thời có giải pháp như nào để điều hành chính sách tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý hiệu quả nợ xấu?"

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Trong chỉ đạo điều hành Ngân hàng Nhà nước cũng luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải thực hiện nghiêm các quy định, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu. Thời gian qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên khoản nhóm nợ cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay.”

Bà VƯƠNG THỊ HƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: Ngay cả khi Nghị quyết 42 còn hiệu lực thì việc xử lý nợ xấu có lúc vẫn còn khó khăn, đặc biệt là trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid- 19. Đại biểu đề nghị Thống đốc làm rõ trách nhiệm.”

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá những quy định của pháp luật có liên quan xử lý nợ xấu; đồng thời tham mưu đề xuất cách thức luật hóa như thế nào để ban hành luật riêng hay quy định tại các luật hoặc quy định tại Luật các tổ chức tín dụng.”

Ông PHẠM HÙNG THẮNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: “Tại sao kéo dài mà không sửa đổi nghị quyết 42 về nợ xấu. Kéo dài có xử lý được không?”

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: “Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định Nghị quyết này rất có hiệu quả với xử lý nợ xấu, nếu không được kéo dài thì việc xử lý nợ xấu sẽ gặp khó khăn, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng. Nếu sửa Nghị quyết 42 thì cần nhiều thời gian đánh giá tác động của việc sửa đổi các chính sách này, nên Ngân hàng Nhà nước đề xuất với Quốc hội kéo dài toàn bộ, trong thời gian Nghị quyết ra hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, các ngành rà soát các quy định của pháp luật, tham mưu cách thức xử lý nợ xấu.”

Truyền hình Quốc hội Việt Nam