• 1182 lượt xem
  • 14:06 14/06/2022
  • Kinh tế

Xử lý nghiêm các hành vi thao túng, làm giá trên thị trường Chứng khoán

Sau một số vụ sai phạm gây rung động thị trường chứng khoán như vụ Tân Hoàng Minh, FLC, các hành vi vi phạm trên thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính chấn chỉnh và xử lý; đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường.

 Tuy nhiên, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, câu hỏi về hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường, giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn bền vững trong thời gian tới tiếp tục được các đại biểu Quốc hội nêu ra.

Phát biểu tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong quản lý thị trường chứng khoán:

Ông NGUYỄN DANH TÚ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang: “Trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng trong quản lý, điều hành với một số diễn biến không lành mạnh của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua”

Ông NGUYỄN HỮU THÔNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận: “Thời gian qua, nhiều vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, có phải một phần nguồn cơn trên chính là sự yếu kém, bất cập của các cơ quan chức năng. Vậy Bộ trưởng có giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường thay vì các quy định siết chặt theo tinh thần là "không quản được thì cấm" ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường?”

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết Bộ đã nỗ lực ngăn chặn và vừa qua xử lý một số sai phạm, làm cho thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn. Ngay từ năm 2021, từ tháng 4 cho đến tháng 9, Bộ Tài chính đã ra 5 thông cáo báo chí về vấn đề rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để cảnh báo cho nhà đầu tư chứng khoán, đồng thời yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm toán nhằm phát hiện sai phạm để xử lý kịp thời. 

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: Vừa qua., chúng tôi chuyển qua cơ quan điều tra 34 vụ và tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ, xử phạt hành chính với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Đây cũng là một bước để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, cán bộ Bộ Tài chính có trách nhiệm này, cho nên vừa rồi chúng tôi đã thực hiện cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ lãnh đạo và kiểm điểm nhiều cán bộ khác, chẳng hạn như Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán là bị cách chức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chứng khoán HoSE bị cách chức, còn lại Giám đốc Trung tâm lưu ký chứng khoán và Chủ tịch Công ty chứng khoán Việt Nam bị cảnh cáo và xử lý. Việc này liên quan đến trách nhiệm, ví dụ như ban hành các quy chế không đúng với Thông tư của Bộ Tài chính và Nghị định của Chính phủ hoặc để cho nghẽn mạng công nghệ thông tin ảnh hưởng đến nhà đầu tư, thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát. Thứ tư là khi phát hiện ra thì xử phạt hành chính nhưng không đưa ra các quyết định bổ sung là hủy giao dịch chứng khoán. Với những sai phạm này chúng tôi đã xử lý theo luật và củng cố cơ quan quản lý đối với lĩnh vực chứng khoán”.

Cùng với câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các đại biểu Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi thao túng chứng khoán, thao túng cổ phiếu hay đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng, đầu cơ trái phiếu:

Bà THÁI QUỲNH MAI DUNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp nhằm chấn chỉnh các hành vi vi phạm, đưa các thông tin không chính xác, có thể nói là lừa đảo các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vụ việc Tân Hoàng Minh là một ví dụ rất điển hình. Mặc dù, vụ việc này đã được đưa sang cơ quan điều tra, tuy nhiên hiện nay vẫn rất nhiều các công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp chui và vẫn mời chào các nhà đầu tư cá nhân mua. Vậy hướng xử lý vụ việc này như này như thế nào đối với các nhà đầu tư trong vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh? Các giải pháp để giúp cho nhà đầu tư thu hồi được tài sản của mình như thế nào?”

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, thời gian qua thị trường chứng khoán chúng ta trong thời gian qua đã có bước phát triển rất tốt. Tăng trưởng bình quân trong giai đoạn từ năm 2016-2021 khoảng 26%. Vì vậy, những hành vi sai phạm như thao túng chứng khoán, như thao túng cổ phiếu hay đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng, vi phạm Luật Chứng khoán cần được xử lý nghiêm để làm lành mạnh thị trường chứng khoán:

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: “ Chúng tôi đang tích cực theo dõi, giám sát và tăng cường thanh tra đối với những dấu hiệu bất thường, những vi phạm và xử lý nghiêm đối với việc thao túng, đưa ra những thông tin sai lệch trên thị trường chứng khoán. Trong thời gian vừa qua, ví dụ như một số thông tin sai lệch, những thông tin không đúng, những thông tin giả mạo, ảnh hưởng đến nhà đầu tư thì đã được đưa vào trong điều cấm của Luật Chứng khoán. Vừa rồi chúng ta đã xử lý một trường hợp ở Thành phố Hồ Chí Minh, xử phạt hành chính và một Facebooker tại Hà Nội là xử lý hình sự. Như vậy chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý những trường hợp tung tin đồn nhảm hoặc đưa những thông tin sai lệch để ảnh hưởng đến các lợi ích của các nhà đầu tư khác và làm đảo lộn trật tự kinh tế trên lĩnh vực chứng khoán”.

GIẢI PHÁP CHO HIỆN TƯỢNG ‘BONG BÓNG” TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

 Thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn và cùng với tín dụng đảm bảo nguồn lực cho nền kinh tế phát triển. Trong lịch sử của phát triển kinh tế thế giới thì các quốc gia tiên tiến hiện nay đã có trên 500 năm về thị trường chứng khoán. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam mới bắt đầu từ năm 2000 đến giờ là khoảng 22 năm cũng đang rất non trẻ, nhưng từ đấy cũng đã thể hiện sức mạnh của thị trường chứng khoán và sức mạnh của doanh nghiệp. Có thể nói,  thị trường chứng khoán giống như “hàn thử biểu” của nền kinh tế, tuy nhiên, khi mà thị trường này có những dòng tiền bất thường, giá trị vốn hóa hay giá trị thị trường của cổ phiếu tăng cao thì cũng là lúc cân xác thực và nghĩ đến nguy cơ về một thị trường chứng khoán “bong bóng”.

Ông TRẦN VĂN LÂM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang: “ Thực tế thị trường chứng khoán nước ta hiện nay giá trị vốn hóa hay giá trị thị trường gấp nhiều lần giá trị tài sản lúc IPO phát hành lần đầu. Sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường, tạo chênh lệch giữa giá cả và giá trị thực và gọi nôm là bong bóng chứng khoán. Tình trạng này làm tăng xuất vốn đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng, tăng hệ số ICOR của nền kinh tế, giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay. Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng chứng khoán, giải pháp gì để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?”

Trả lời câu hỏi của đại biểu về "bong bóng" trong thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra rằng, những năm vừa qua thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021. Tuy nhiên, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.

Ông HỒ ĐỨC PHỚC, Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Hiện nay chúng tôi có 1 số giải pháp là tăng cường công tác kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi các nghiệp vụ phát sinh, bán công khai và theo dõi quá trình lên xuống đột ngột của cổ phiếu. Cùng với giải pháp hoàn thiện Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, đề nghị Quốc hội hoàn thiện Luật chứng khoá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm giao dịch bất thường. Thông qua vấn đề kiểm tra chúng tôi đã phát hiện ra nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền".

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường”.

Thực tế cho thấy thời gian qua, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển tăng trưởng, đa dạng hóa sản phẩm, song đã xuất hiện một số hành vi tiềm ẩn rủi ro, vi phạm quy định của pháp luật. Từ tình hình trên, từ tháng 12/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có 8 công điện và văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nhiều văn bản chỉ đạo trong lĩnh vực bất động sản. Được biết trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Phó Thủ tướng Chính phủ LÊ MINH KHÁI: “Thứ nhất là khẩn trương nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.Thứ hai là thường xuyên theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động theo quy định của pháp luật; phát triển thị trường lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, tổ chức, cá nhân tham gia thị trường. Thứ ba là chủ động công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, ổn định tâm lý nhà đầu tư, ngăn chặn kịp thời các thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến thị trường”

Từ những thực tế, những bất cập và hạn chế được đại biểu nêu ra trong phiên chất vấn, phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và có các giải pháp hiệu quả để khắc phục những hạn chế, quản lý hiệu quả thị trường chứng khoán, trong đó tập trung vào một số  vấn đề trọng tâm: 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Tổ chức tái cơ cấu toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tăng cường tính minh bạch của thông tin, bảo đảm cho thị trường hoạt động một cách thông suốt và nhất quán. Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán; khẩn trương sửa đổi Nghị định 153 về quy định chặt chẽ các vấn đề chào bán, giao dịch, phương thức phân phối, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm, trách nhiệm và biện pháp quản lý các tổ chức trung gian khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Rà soát, sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt. Thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát vai trò của các tuyến giám sát từ các công ty chứng khoán đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và giám sát tuyến đầu của các Sở giao dịch chứng khoán. Xử lý nghiêm các vụ thao túng thị trường, tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật, minh bạch thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng, phát triển thị trường lành mạnh, ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn”.

Có thể nói, câu chuyện về trách nhiệm trong quản lý thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm các sai phạm hay giải pháp làm lành mạnh thị trường cũng chính là mong mỏi của các nhà đầu tư. Về nội dung này, chúng tôi kết nối  với ông LÊ LONG GIANG, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam:

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi cuộc trò chuyện của truyền hình Quốc hội với ông Lê Long Giang!

 

 

Thu Quỳnh