Xung đột Nga - Ukraine phủ bóng Hội nghị Ngoại trưởng G20

Hôm nay 2/3, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã chính thức khai mạc tại Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Giữ cương vị Chủ tịch G20, Ấn Độ mong muốn Hội nghị năm nay tập trung vào các vấn đề như xóa đói giảm nghèo và khí hậu, nhưng cuộc xung đột ở Ukraine và những tác động của nó vẫn chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự.

Trong bài phát biểu trực tuyến gửi tới phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Nadrenra Modi đã khẳng định, các thể chế đa phương đã không đáp ứng được những thách thức cấp bách nhất, khi trong vài năm qua, thế giới đã phải chứng kiến tình trạng khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, đại dịch, khủng bố và xung đột.

XUNG ĐỘT NGA – UKRAINE PHỦ BÓNG HỘI NGHỊ

Hội nghị Ngoại trưởng G20 đưa ra 6 chủ đề thảo luận, bao gồm Tăng cường chủ nghĩa đa phương, An ninh lương thực và năng lượng, Hợp tác phát triển, Chống khủng bố, Nguồn nhân lực toàn cầu, Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Tuy nhiên, xung đột tại Ukraine được nhận định sẽ tiếp tục chi phối chương trình nghị sự.

Hội nghị Ngoại trưởng G20 năm nay có sự tham dự của hơn 40 nhà ngoại giao hàng đầu đến từ các quốc gia khác nhau và đại diện 13 tổ chức quốc tế. Trong đó, sự chú ý tập trung vào sự xuất hiện của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Nga và Mỹ - Trung đều đang gia tăng. Tuy nhiên, khó có khả năng gặp gỡ giữa các bên để xoa dịu căng thẳng.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dự kiến gặp ngoại trưởng của ít nhất 7 nước, tận dụng việc tham dự G20 để có những trao đổi với phương Tây.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi tuần trước, cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 ở Ấn Độ đã không thống nhất được tuyên bố chung sau khi Nga và Trung Quốc không kí vào biên bản kết luận về cuộc xung đột ở Ukraine.

Việc tổ chức các cuộc họp của G20 cũng được coi là bài kiểm tra khó khăn đối với chính sách ngoại giao của Ấn Độ, bởi New Delhi là khách hàng mua vũ khí lớn của Nga và đã tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ nước này.

Xin mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Kim Ngọc