Xung đột ở Ukraine thúc đẩy nhu cầu của EU đối với vũ khí Mỹ

Đã gần 1 năm xảy ra xung đột ở Ukraine. Vẫn chưa có triển vọng kết thúc chiến sự khi mà các cuộc đàm phán đình trệ, còn vũ khí thì liên tục đổ vào Ukraine. Xung đột càng kéo dài, doanh số của các tập đoàn vũ khí sẽ càng tăng, đặc biệt là các công ty Mỹ. Kể từ năm ngoái, nhu cầu của Châu Âu đối với vũ khí của Mỹ đã tăng vọt.

Nhu cầu này tập trung vào các mặt hàng rẻ hơn, ít phức tạp hơn như tên lửa vác vai, pháo và máy bay không người lái vốn là những vũ khí đóng vai trò quan trọng trong chiến sự Ukraine. Trong phóng sự sau đây, chúng ta sẽ cùng đến một nhà máy sản xuất đạn dược ở Pennsylvania, Mỹ, nơi đang hoạt động ngày đêm để đáp ứng các đơn hàng từ châu Âu.  

Theo các tùy viên quân sự châu Âu, nhu cầu tập trung vào các loại vũ khí và đạn dược cơ bản: đạn pháo 155 ly, hệ thống phòng không, thiết bị liên lạc, tên lửa vác vai Javelin và máy bay không người lái. Nhà máy Đạn dược Quân đội Scranton ở Pennsylvania đang gấp rút đáp ứng nhu cầu này.

Việc tập trung vào vũ khí số lượng lớn, ít tốn kém hơn cho thấy cuộc xung đột ở Ukraine đã định hình lại tư duy chiến lược của các nước châu Âu về cách thức giải quyết các cuộc xung đột trong tương lai.

Hình ảnh về các cuộc chiến công nghệ cao phụ thuộc nhiều vào máy tính và máy móc đã bị thay thế bằng thực tế về những cuộc đấu súng không ngừng nghỉ và những người lính đào hầm trong chiến hào lầy lội. Cuộc chiến kéo dài một năm đã chứng kiến cả hai bên sử dụng một lượng lớn đạn pháo và tên lửa.

Nhu cầu đặc biệt cao đối với đạn pháo 155 ly. Cuộc xung đột ở Ukraine đã làm nổi bật tầm quan trọng của pháo binh trong việc giúp áp đảo các vị trí của đối phương hoặc ngăn chặn các bước tiến của quân đội. Mỹ năm ngoái đã vận chuyển hơn 1 triệu quả đạn pháo 155 ly tới Ukraine, một quả đạn tiêu chuẩn tiêu tốn của Quân đội Mỹ khoảng 800 đô la.

Theo một quan chức quân đội, mục tiêu sản xuất đạn 155 mm của Mỹ đã tăng gấp ba lần từ 30.000 quả đạn mỗi tháng lên 90.000 quả mỗi tháng trong hai năm tới. Mức gia tăng lớn này phản ánh nhu cầu bổ sung nguồn cung của Mỹ cũng như của các đồng minh bao gồm Na Uy, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức và Italy, những nước đã gửi một phần kho dự trữ vũ khí của họ đến Ukraine.