Xung đột Ukraine thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Đông Âu

Ngay sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nổ ra ở Ukraine, các nhà sản xuất vũ khí ở Đông Âu bắt đầu cung cấp vũ khí và đạn dược từ kho vũ khí khổng lồ từ thời chiến tranh lạnh. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, khi những kho dự trữ đó cạn kiệt, các nhà sản xuất đã phải tăng cường sản xuất cả thiết bị mẫu cũ và hiện đại để duy trì viện trợ cho Ukraine và nhu cầu của các nước trong khu vực.

Chiến tranh, xung đột luôn là mỏ vàng cho ngành công nghiệp vũ khí. Nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang mang đến nhiều cơ hội mới cho các nhà sản xuất vũ khí, đặc biệt là ở Đông Âu nơi có vị trí địa lý thuận lợi cho việc viện trợ và lịch sử ngành công nghiệp vũ khí lâu đời từ thế kỷ 19.

Ông TOMAS KOPECNY, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Séc: "Đối với ngành công nghiệp quốc phòng Séc, cuộc xung đột ở Ukraine rõ ràng là một sự thúc đẩy mà chúng tôi chưa từng thấy trong 30 năm qua. Không chỉ là kỷ lục về xuất khẩu vật liệu quân sự, mà còn cả về chất lượng. Đó là thực tế là về mặt lịch sử, và là một cơ hội lớn."

Không chỉ dừng lại ở việc viện trợ Ukraine, với thực tế rằng nhiều quốc gia đang tăng chi tiêu trong lĩnh vực ngân sách quốc phòng, rất nhiều cơ hội và thị trường mới đã mở ra cho ngành công nghiệp này ở thời điểm hiện tại. Từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ cuối tháng 2 năm nay, các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng thêm khoảng 230 tỉ USD, riêng Đức đã lên kế hoạch hiện đại hóa quân đội với 100 tỉ USD trong năm nay. Đây chắc chắn là mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất ở Châu Âu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Ông SEBASTIAN CHWALEK, Giám đốc Điều hành Tập đoàn vũ khí Ba Lan PGZ: "Theo tôi, trong 10-15 năm tới, sẽ có nhu cầu lớn về vũ khí, không chỉ ở Châu Âu mà còn trên thế giới. Chúng tôi đang phát triển và mở rộng khả năng của mình. Chúng tôi đang có nhiều cuộc thảo luận với các khách hàng tiềm năng từ các nước thứ ba, những người muốn trang bị cho quân đội của họ vũ khí của chúng tôi.”

Nhiều chuyên gia đã cũng nhận thấy rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine không chỉ là một hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận, mà còn giúp củng cố lại sức mạnh quân sự cho các quốc gia trong khu vực. Và hy vọng rằng, việc các quốc gia Đông Âu đang chạy đua vũ trang chỉ nhằm phục vụ cho quốc phòng và vì mục đích hòa bình.

Phòng Quốc tế