Cảng biển Trần Đề: Kỳ vọng đưa hàng hóa vươn tầm thế giới

Được xác định là cảng biển kết nối kinh tế Đồng bằng sông Cửu long với tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông, cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng được kỳ vọng là đột phá đưa nhanh hàng hóa của khu vực này ra với thế giới. Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ chính trị, đến năm 2030 phát triển cảng biển Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng, hiện tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư.

Trung bình mỗi năm, Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta xuất khẩu từ 25.000 đến 30.000 tấn thủy sản, chủ yếu thông qua các cảng tại khu vực Đông Nam bộ. Trong khi hàng hóa từ công ty đến các cảng này khá xa, mật độ lưu thông  cao, chi phí vận chuyển 2 chiều mỗi container lạnh 40 feet lên đến 700 USD.

Hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Cửu Long  phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP.Hồ Chí Minh, trung bình mỗi tấn hàng hóa mà doanh nghiệp phải trả cho vận chuyển là 10 USD, vì vậy vùng cần một cảng biển lớn để giải quyết những khó khăn nầy.

Theo quy hoạch, dự án sẽ phát triển một bến cảng ngoài khơi có quy mô 1.400 héc ta và kết nối với bến trong bờ quy mô 4.000 héc ta bằng hệ thống cầu dẫn dài 18 km. Trong đó, khu bến cảng ngoài khơi có khả năng tiếp nhận tàu container lớn nhất lên đến 100.000 tấn và tàu hàng rời đến 160.000 tấn, tổng vốn đầu tư giai đoạn đến năm 2030 là hơn 51.000 tỉ đồng.

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, đầu tư vào cảng nước sâu Trần Đề, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, như: áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Đồng thời, nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Công Tràng -

Chí Điển