Đắk Nông phát hiện hơn 1000 hiện vật khảo cổ có niên đại hơn 4500 năm

Sáng 26/4, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích khảo cổ thôn 8, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút.

Đợt khai quật diễn ra từ ngày 16-26/4, các nhà khoa học đã khai quật tại gò đất - đá nằm gần đầm Sương Mù thuộc địa phận thôn 7 và thôn 8. Hố khai quật có diện tích 20m², ở độ cao 347m so với mực nước biển. Địa tầng hố khai quật có độ sâu từ 10-30cm, chia làm 2 tầng gồm lớp mặt và lớp 1. Qua thống kê sơ bộ, lớp mặt có gần 1000 đơn vị hiện vật đồ đá với nhiều hình loại như hòn ghè, hòn kê, bàn mài, hạch đá, phác vật rìu... và 150 mảnh gốm, xương gốm có độ dày từ 0.1-0.5cm.

Từ các hiện vật đã được tìm thấy, các nhà khoa học dự đoán, di chỉ thôn 8 có thể là một xưởng chế tác đã bước sang giai đoạn Hậu kỳ Đá mới, niên đại cách ngày nay khoảng trên dưới 4.500 năm, thậm chí có thể sớm hơn Hậu kỳ Đá mới.

Được biết, ngoài di tích thôn 8, các nhà khoa học tiến hành khảo sát và phát hiện được một số hiện vật ở các khu vực gần và xung quanh di tích như địa điểm thôn 7, Thác Mây, Đồi Mây.

Đợt khai quật di tích đã bổ sung tiềm năng di sản, tư liệu nghiên cứu lịch sử, văn hóa khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.  

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Phúc Hân