Điểm báo: Tần suất các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam tăng cao

Nhà đầu tư đối mặt với những rủi ro nào khi mua vàng?; Doanh nghiệp muốn giảm quỹ đất nhà xã hội trong dự án nhà thương mại; Tần suất các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam tăng cao; Ô nhiễm kênh mương, bài toán chưa có lời giải... là các tin tức đáng chú ý có trong điểm báo ngày 10/5.

NHÀ ĐẦU TƯ ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG RỦI RO NÀO KHI MUA VÀNG?

Giá vàng trong nước liên tục biến động. Các đơn vị kinh doanh vàng điều chỉnh chênh lệch mua vào - bán ra ở mức cao, lên đến hàng triệu đồng/lượng khiến nhà đầu tư có nguy cơ thua lỗ nếu mua vàng trong thời gian ngắn hạn.

Theo bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam, Lý giải nguyên nhân giá vàng liên tục tăng “nóng”, các chuyên gia kinh tế cho biết, nguyên nhân đến từ việc lãi suất tiết kiệm các ngân hàng đồng loạt tăng, cầu tăng đột biến và thanh khoản, giao dịch của vàng SJC trên thị trường ít. Việc giá vàng liên tục tăng cũng được các chuyên gia khuyến cáo và lưu ý, vàng đang trong "cơn sốt giá" và biến động khó lường, do đó, các nhà đầu tư cần cẩn trọng trong quyết định, không nên xuống tiền đầu tư vàng thời điểm này cũng như lựa chọn vàng làm kênh đầu tư duy nhất. Ngoài ra, khuyến nghị, không nên đầu tư "lướt sóng" mà cần đầu tư cẩn thận, giữ vàng ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm.

DOANH NGHIỆP MUỐN GIẢM QUỸ ĐẤT NHÀ XÃ HỘI TRONG DỰ ÁN NHÀ THƯƠNG MẠI

Dự thảo nghị định về phát triển, quản lý nhà xã hội yêu cầu địa phương quyết định việc bố trí 20% diện tích xây nhà xã hội khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà thương mại. Chủ đầu tư có thể thay thế quỹ đất trên bằng một quỹ đất khác ngoài phạm vi dự án nhưng trong cùng một quận. Nội dung này đang nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp. Theo báo điện tử VnExpress. 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng quy định bố trí 20% diện tích xây nhà xã hội rất khó khả thi vì chủ đầu tư không thể tạo lập diện tích đất ở tương đương với quỹ đất 20% phải dành của dự án nhà thương mại trong cùng một quận. Đề nghị chủ đầu tư có thể hoán đổi bằng cách bố trí quỹ đất khác (không phải đất ở). Nếu khu đất đó đã có dự án đầu tư như dự án sản xuất kinh doanh thì cho phép điều chỉnh dự án để xây nhà xã hội. Doanh nghiệp phản ánh tỷ lệ 20% khá lớn nên đề nghị giảm quỹ đất dành cho nhà xã hội trong dự án nhà thương mại xuống còn 5-10%. 

TẦN SUẤT CÁC CUỘC TẤN CÔNG MẠNG TẠI VIỆT NAM TĂNG CAO

Tần suất tấn công mạng đang liên tục tăng lên, đặc biệt là những cuộc tấn công nhắm vào các doanh nghiệp, tổ chức ở lĩnh vực tài chính và chứng khoán. 

Theo bài viết trên báo điện tử Dân trí, Vấn nạn lừa đảo tài chính vẫn luôn là mối đe dọa phổ biến đối với các doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam. Kẻ gian đã thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, dụ dỗ người dùng cấp quyền truy cập vào các thông tin quan trọng liên quan đến tài khoản ngân hàng, hệ thống thanh toán và cửa hàng thương mại điện tử. Chỉ trong quý I vừa qua, tần suất của các cuộc tấn công mạng đã gia tăng với nhiều phương thức cực kỳ tinh vi. Mặc dù các tổ chức đã phản ứng nhanh chóng để khắc phục sự cố, nhưng đây cũng là lời nhắc nhở cho các doanh nghiệp về sự cần thiết của một giải pháp an ninh mạng đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí. 

Ô NHIỄM KÊNH MƯƠNG, BÀI TOÁN CHƯA CÓ LỜI GIẢI

Hệ thống kênh mương ở Hà Nội không chỉ phục vụ công tác tưới tiêu mà còn mang tới cảnh quan tươi mát, điều hòa sinh thái cho Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều kênh mương đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Trên báo Kinh tế và đô thị có bài viết về vấn đề này. 

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cộng với ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân còn chưa cao, đang là một trong những nguyên nhân góp phần khiến hệ thống kênh, mương ở Thủ đô rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, Các chuyên gia cho rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở; đồng thời tăng cao chế tài xử phạt đối với hành vi vứt rác thải ra môi trường, đặc biệt là vứt rác xuống hệ thống kênh, mương. Chuyên gia môi trường Nguyễn Ngọc Lý - Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bảo vệ nguồn nước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam