Góc nhìn hôm nay: Học sinh đang học Lịch sử như thế nào?

Kể từ khi Nghị quyết 29 ra đời, Chương trình GDPT 2018 ban hành thì vấn đề đổi mới giáo dục mang tính tổng thể, toàn diện. Có thể nói khung Chương trình GDPT 2018 là kịch bản đổi mới tổng thể, bài bản nhất từ trước đến nay, khung cho toàn bộ sự đổi mới. Các môn học cần có sự đổi mới, nhưng môn Lịch sử, Ngữ văn là những môn Khoa học xã hội nhân văn, quan trọng, cần thiết cần ưu tiên làm trước.

Lịch sử tự chọn hay bắt buộc có thể coi là chủ đề nóng nhất mùa hè vừa qua. Từ 1 môn tự chọn tại cấp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, lịch sử được đưa 1 phần thành môn bắt buộc tại lớp 10, ngay trước thềm năm học mới. Sự thay đổi vội vã này khiến không ít người lo ngại về chất lượng giảng dạy lịch sử ở lớp 10 năm nay. Vậy thực tế học sinh đang học lịch sử như thế nào? 

Tại Hội thảo về đổi mới dạy học được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, không phải đến thời điểm này Bộ GD&ĐT mới đặt vấn đề đổi mới môn Lịch sử, Ngữ văn và các môn học khác, mà vấn đề này đã đặt ra hàng chục năm nay. Nhưng chỉ đổi mới về phương pháp dạy học là chưa đủ mà phải đổi mới sâu hơn, toàn diện hơn. Các thầy cô giáo cần bàn bạc trên tinh thần mở để dành nhiều thời gian định vị môn học, cách tiếp cận, tư duy môn học, khi làm được điều đó, phương pháp mới có gốc.

Ở môn Lịch sử, các đề xuất tập trung vào việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Lịch sử trong việc thực hiện mục tiêu giữa “dạy chữ”, “dạy người” và định hướng nghề nghiệp ở trường phổ thông; những biện pháp đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử đảm bảo hiệu quả việc thay đổi từ chương trình tập trung vào nội dung sang chương trình hướng đến hình thành và phát triển năng lực của học sinh; đề xuất các điều kiện nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chương trình mới, đặc biệt là yếu tố giáo viên trong đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; đổi mới việc ra câu hỏi kiểm tra đánh giá nhằm khai khai thác các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề Lịch sử, từng bước đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ sự kiện một cách máy móc, thuộc lòng.

Ngành giáo dục và đào tạo đã và đang có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong đổi mới phương pháp dạy và học lịch sử, đã có nhiều mô hình và cách dạy lịch sử hay, sinh động. Để thực hiện có hiệu quả chương trình môn Lịch sử đã điều chỉnh, nhất thiết giáo viên phải đổi mới phương pháp, hình thức dạy học. Với mục tiêu phát triển năng lực học sinh, việc đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử không chỉ tập trung vào trang bị kiến thức cho học sinh mà đặt trọng tâm rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống, tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn tư liệu, sử liệu gắn với nội dung bài học để phục dựng nội dung, sự kiện lịch sử một cách trân thực, khoa học; đa dạng hoá các hình thức dạy học trên lớp học, bảo tàng, di tích lịch sử, nhà văn hoá… Đồng thời, gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Góc nhìn hôm nay xin tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những chương trình sau. 

Phan Hằng