Hồi ức “Đâu có giặc là ta cứ đi”

Anh hùng - Liệt sĩ Lê Văn Dỵ là một Sĩ quan cao cấp của Quân đội ta, đã tham gia lực lượng Việt Minh từ năm 1944, và hy sinh năm 1970. Ông được biết đến là một cán bộ chỉ huy gan dạ, quyết đoán, luôn có tinh thần tiến công và có sáng kiến giúp hạn chế thương vong, xương máu cho chiến sĩ. Những chiến công xuất sắc cùng với cách xử lý táo bạo của Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề cập cụ thể trong bộ sách “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”. Dịp này, chúng ta cùng ôn lại một vài lát cắt trong cuộc đời quân ngũ đáng nhớ của ông.

Vào thời điểm trước khi trận Điện Biên Phủ mở màn, có một ca khúc vừa ra đời đã được đón nhận rất nhiệt thành. Đó là bài hát “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vốn được lấy cảm hứng từ câu nói mà một chiến sĩ vô tình thốt lên giữa lúc hành quân. “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi” đã trở thành câu kết ấn tượng trong bài ca mang sức mạnh động viên tinh thần rất lớn. Tác giả của câu nói dung dị ấy chính là anh bộ đội Lê Văn Dỵ - một chiến sĩ Điện Biên.

 Mỗi lần ra thăm nghĩa trang liệt sĩ, thắp nén nhang thơm trên ngôi mộ gió của thủ trưởng mình, ông Nguyễn Thái Bỉnh lại nhớ về phong cách chỉ huy của người Đại đội trưởng cùng quê. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hầu hết các trận đánh quan trọng, Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ đều được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy mũi chủ công. Ông từng có sáng kiến xây dựng trận địa liên hoàn, với nhiều ngách “râu tôm”, cùng hào trục và dây thép gai xung quanh trận địa đồi C1; nhờ đó đã nhanh chóng tấn công tiêu diệt đối phương, cắm được lá cờ chiến thắng của quân ta lên đúng vị trí cột cờ của địch. Đến đêm 06/5/1954, ông lại tiếp tục chỉ huy đơn vị tiến đánh đồi C2, tiêu diệt gần 2 Đại đội, và chiến đấu giành được hoàn toàn C2 trong buổi chiều 07/5 lịch sử. 

Mảnh vườn đơn sơ này là nơi Đại đội trưởng Lê Văn Dỵ gửi lại nhiều thương nhớ trong những lần về phép thăm quê. Đến năm 1960, ông lại tạm biệt vợ con để lên đường thực hiện nghĩa vụ quốc tế hàng chục năm liên tục, và đã anh dũng hy sinh khi chỉ huy chiến đấu tại mặt trận cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng ở Lào. Cả cuộc đời quân ngũ của mình, Anh hùng - Liệt sĩ Lê Văn Dỵ đã sống đúng với ý nghĩa của câu nói để đời năm ấy. Cha mẹ ông sinh được 6 người con, thì đã có 3 con trai tòng quân, và một người con gái vào lực lượng thanh niên xung phong. Đó cũng là minh chứng sống động cho thấy rằng câu nói thể hiện ý chí “Đâu có giặc là ta cứ đi” không chỉ là khẩu hiệu. Và như vậy, quyết tâm hành quân lên phía trước không chỉ in dấu trong hình ảnh những đoàn quân trùng trùng tiến ra mặt trận; mà còn có thể chiêm nghiệm ngay trong khoảng lặng của mỗi quê hương, của mỗi gia đình. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thiện Đoan -

Văn Thắng