Khoảng trống dịch vụ y tế cho người chuyển giới

Theo thống kê, Việt Nam có gần nửa triệu người chuyển giới. Thế nhưng, sự hạn chế về mặt pháp luật khiến những người này gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là lĩnh vực y tế.

Lộc và Ngọc, đôi vợ chồng trẻ mới cưới chưa được 1 năm. Không giống với những cặp vợ chồng khác, 2 bạn đều là người chuyển giới. Chấp nhận đánh đổi cả chục năm tuổi thọ để được là chính mình, thế nhưng cuộc sống của Lộc và Ngọc vẫn chẳng hề dễ dàng. Tự tìm hiểu và mua hoocmon là cách 2 bạn đang thực hiện nhằm duy trì giới tính mà mình lựa chọn.

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường, việc mua bán, sử dụng hoóc-môn và các dịch vụ phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hiện nay vẫn bị coi là “phi chính thức”. Khó tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng, đồng nghĩa với việc những người chuyển giới buộc phải tìm đến những dịch vụ “chui”, không an toàn.

Tại phiên họp thứ 3 của Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, nội dung này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Sau nhiều lần rà soát, chỉnh lý, Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã chính thức xác định việc sử dụng nội tiết tố sinh dục là một biện pháp để chuyển đổi giới tính, có thể là độc lập hoặc phối hợp. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, cần quy định thêm một số điều kiện để tạo thuận lợi cho nhiều đối tượng người chuyển giới.

Quy định sử dụng nội tiết tố sinh dục là một biện pháp để chuyển đổi giới tính sẽ tạo hành lang pháp lý cho cộng đồng người chuyển giới nếu Dự thảo Luật được thông qua. Dự kiến, Ban soạn thảo sẽ gửi hồ sơ dự án Luật Chuyển đổi giới tính để xin ý kiến Chính phủ vào đầu tháng 5 tới đây.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam