Người chỉ huy Trung đoàn với chiến thuật trong lòng đất mẹ

Lịch sử chiến tranh vệ quốc ở nước ta đã ghi nhận không ít sáng kiến được sáng tạo ngay trên trận địa, khiến cho những người vốn được đào tạo bài bản về quân sự ở phía đối phương cũng rơi vào thế bị động khôn lường. Hình ảnh “Những đoàn quân từ trong lòng đất / Xông lên bạt vía quân thù” mãi còn là điều cần học hỏi qua nhiều giai đoạn. Dịp này, chúng ta cùng ôn lại một lát cắt trong câu chuyện về chiến thuật đánh lấn của Trung đoàn 36, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn. Đó là một người cầm quân đã tích lũy đầy mình kinh nghiệm qua những chiến dịch vang danh như Tây Bắc, Hoàng Hoa Thám, Thượng Lào, Điện Biên Phủ; và sau này là các mặt trận Đường 9 Nam Lào, Thừa Thiên Huế,

Dịp lễ kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nếu ta còn gặp ở đâu đó những cựu binh mà tuổi đời đã trên dưới 90, thì quả là hiếm hoi và quý hóa vô cùng. Tại các sự kiện văn hóa dịp này, họ thường dành tâm trí hoài niệm về chiến công của những đồng đội năm xưa cùng trận địa. Như trong cuộc triển lãm do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức, Đại tá Nguyễn Hữu Tài - một nhân chứng trở về từ Điện Biên - vẫn còn tâm đắc với phương pháp đánh lấn đầy sáng tạo của Trung đoàn 36, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn. Đó là một người cầm quân đầy bản lĩnh, đã từng tham gia chỉ huy mũi chủ công, tiêu diệt những mục tiêu quan trọng như cứ điểm 106, 206 và bản Kéo, cùng với các đơn vị khống chế sân bay Mường Thanh, tấn công vào Sở Chỉ huy của Tướng Đờ Ca-xtơ-ri trong buổi chiều mùa hè lịch sử.

Trung đoàn 36 tiền thân là Trung đoàn Bắc - Bắc anh hùng, thuộc Đại đoàn Quân Tiên phong - Đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nay là Sư đoàn 308. Trong phòng truyền thống của Sư đoàn cũng như của Trung đoàn còn lưu những tài liệu, hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ nói chung và những con người góp phần làm nên lịch sử nói riêng. Còn nhớ ngày đó, phương pháp đánh lấn do Trung đoàn 36 phát kiến đã được phổ biến trên toàn mặt trận, và phát triển thành chiến thuật “Vây - Lấn - Tấn - Diệt” đạt hiệu quả không ngờ. Cách thức “độn thổ”, “xuyên sơn giáp” trong lòng đất mẹ được vận dụng rộng rãi để thực hiện phương châm “Đánh chắc tiến chắc”, tức là bao vây, đánh dần từng bước, vừa làm cho tập đoàn cứ điểm bị cô lập và bóp nghẹt, vừa tiêu diệt từng bộ phận của địch từ ngoại vi vào tung thâm, tạo thành sức mạnh áp đảo bất ngờ để giành thắng lợi.

Người Trung đoàn trưởng đã chỉ huy chiến thuật trong lòng đất mẹ năm xưa, sau này trở thành Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Quân sự; nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân sự Cấp cao; Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng. Những kiến thức và kinh nghiệm qua cả một đời trận mạc, ông đã đưa vào công trình nghiên cứu khoa học, đồng thời viết thành sách, đúc kết về nghệ thuật quân sự của Việt Nam qua nhiều giai đoạn, để làm tài liệu thiết thực giảng dạy trong Quân đội.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thiện Đoan -

Minh Công