Phân cấp cho địa phương phải đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án

Sáng 20/3, một trong những nội dung được các thành viên đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khoá tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và một số Nghị quyết của Quốc hộị về một số công trình trọng điểm Quốc gia” quan tâm là việc tổ chức thực hiện phân cấp, phân quyền cho địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần của các dự án quan trọng quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, do lần đầu thực hiện cơ chế đặc thù được phân cấp thực hiện các dự án lớn, nên một số địa phương vẫn còn nhiều lúng túng. 

Theo báo cáo, một số địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện các thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn lúng túng. Đặc biệt là các dự án sử dụng nhiều loại nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vốn địa phương. Trong khi đó, địa phương không đủ biên chế khi triển khai đồng thời nhiều dự án, dẫn đến tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, việc phân cấp đã nâng cao tính chủ động, năng lực quản lý cho các địa phương. Về phía bộ quản lý, khi có hồ sơ của địa phương gửi lên, Bộ có trách nhiệm hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đồng thời tổ chức hội nghị với 38 tỉnh, thành hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm.

Ghi nhận tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý một số vấn đề như, việc phân bổ vốn đầu tư của chương trình chậm, danh mục đề xuất phải thay đổi, điều chỉnh nhiều lần. Các cơ chế đặc thù có nơi, có dự án còn khó khăn, vướng mắc. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại toàn bộ các dự án quan trọng quốc gia, xác định các khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội cần khẩn trương hoàn thành các công việc, thủ tục kịp thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Thanh Nga -

Nguyễn Duyên -

Ngọc Tuấn