Sức sống làn điệu dân ca Xa Mạc nơi làng quê nhỏ bé

Dân ca Xa Mạc hay hát ngâm Xa Mạc là một làn điệu dân ca truyền thống, được bắt nguồn từ những câu hát đối đáp, nhằm khuấy động không khí lao động sản xuất trong các buổi đi cày, đi cấy của người dân thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cách đây cả trăm năm. Vốn quí ấy được người dân Xa Mạc gìn giữ, bảo tồn qua thời gian và trở thành một nét văn hóa đặc trưng của làng quê Xa Mạc, dù ngày nay, những cánh đồng lúa đã vơi đi không ít.

Một tuần 3 buổi tập hát, có lẽ không nhiều câu lạc bộ dân gian truyền thống giữ được lửa nhiệt huyết như các thành viên trong CLB Dân ca Xa Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội. Theo giải nghĩa của người dân trong làng, từ ''Xa'' có nghĩa là khoảng cách, còn ''Mạc'' có nghĩa  là làng, nên điệu ngâm nơi đây được lấy luôn tên “Xa Mạc” (có thể hiểu là một làn điệu hát từ xa vọng lại, hay chính là cách hát đối hát đáp) trùng với tên của làng Xa Mạc.

Người dân Xa Mạc thường hay gọi điệu hát truyền thống của làng mình là điệu ngâm Xa Mạc. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu chỉ ra dân ca Xa Mạc như là một điệu chèo cổ, với sự đặc sắc riêng là các câu hát chủ yếu dựa trên nền của thể thơ lục bát. Trong nghệ thuật sân khấu chèo, hát xẩm, ca trù người ta đã mượn làn điệu dân ca Xa Mạc để bắc cầu và hát dẫn vào đoạn chèo, bài xẩm....

Theo dòng chảy thời gian, dân ca Xa Mạc nay cũng có thêm nhiều chủ đề về đời sống xã hội hiện đại. Thế nhưng từng nốt ngân, nốt luyến, từng điệu nhạc của dân ca Xa Mạc cổ vẫn hoà quyện cùng với những ca từ mới. Người dân Xa Mạc dù ở thời đại nào cũng luôn dành tình yêu trọn vẹn cho  những làn điệu của quê hương mình.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

 

Anh Thư -

Văn Thắng