Còn nhiều ý kiến khác nhau về di sản tư liệu

Tiếp tục chương trình làm việc của Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Việc xác định phạm vi khái niệm "di sản tư liệu" là vấn đề được nhiều nhiều đại biểu quan tâm.

Bên cạnh bổ sung các quy định phát huy, bảo tồn di sản, dự thảo còn mở rộng phạm vi điều chỉnh khi bổ sung khái niệm di sản tư liệu. Di sản tư liệu được hiểu như những vật thể chứa thông tin quan trọng, có thể kể đến tấm hoành phi, mộc bản, bản ghi âm… Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về tính cần thiết khi đưa "di sản tư liệu" thành 1 chương riêng trong dự thảo.

Giải trình về băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, theo tham vấn của UNESCO, di sản tư liệu là một loại hình riêng, không nên coi là di sản vật thể hay phi vật thể.

Một vấn đề đáng chú ý khác là đang có sự chồng lấn giữa khái niệm "di sản tư liệu" của luật này với khái niệm “tài liệu lưu trữ đặc biệt” trong dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Trước đó, UBTVQH đã kết luận: "Tài liệu lưu trữ đặc biệt" điều chỉnh theo Luật Lưu trữ, nếu được công nhận là "bảo vật" thì còn phải được điều chỉnh theo Luật Di sản. Tuy nhiên, việc phân định giữa 2 khái niệm này vẫn còn chưa rõ ràng.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, UBTVQH nhất trí với chủ trương sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa. Đồng thời nhấn mạnh, Ban soạn thảo cần lưu ý đến chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa; bổ sung một số chính sách đa dạng hóa nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội hóa lĩnh vực văn hóa. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Đỗ Minh -

Quang Sỹ -

Anh Đức