Lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Tổ chức toà án nhân dân (sửa đổi)

Sáng 19/8, tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp Lãnh đạo Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi). Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình điều hành phiên họp. Tham dự, có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, cùng nhiều Phó chủ nhiệm, Uỷ viên Thường trực các Uỷ ban của Quốc hội.

Đây là đạo luật quan trọng, liên quan đến tổ chức và hoạt động của Toà án, một trong những nội dung trụ cột của hoàn thiện Nhà nước pháp quyền là cải cách tư pháp, cần phải được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp trong tình hình mới và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hướng tới mục tiêu “hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân” mà trọng tâm là “đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Toà án, theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Với tinh thần “Quốc hội đồng hành với các cơ quan từ sớm, từ xa”, Lãnh đạo Quốc hội tổ chức phiên họp để nghe Toà án nhân dân tối cao báo cáo Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan có liên quan của Quốc hội một số nội dung lớn trong Dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi).

Quang Anh -

Cao Hoàng