An toàn của người lao động phải được đặt lên trên hết

Tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với người lao động. Mặc dù vậy, liên tiếp những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đảm bảo an toàn lao động từ phía các doanh nghiệp và chính bản thân người lao động.

Ngày 1/5, vụ nổ lò hơi tại xưởng sản xuất của công ty gỗ Bình Minh, tỉnh Đồng Nai đã cướp đi sinh mạng của 6 con người và làm nhiều người bị thương. Tất cả đều xảy ra bất ngờ, tất cả chỉ còn lại là sự bàng hoàng và tan hoang

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, đối với các thiết bị như lò hơi phải trải qua các yêu cầu kiểm định rất nghiêm ngặt trước khi vận hành. Tuy nhiên, Công ty gỗ Bình Minh đã không thực hiện các quy định này.

Quay ngược thời gian về ngày 22/4, 7 công nhân cũng đã tử vong khi đang lao động sản xuất tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Ngay sau đó cơ quan chức năng đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về an toàn lao động”. Bắt tạm giam 1 nhân viên của nhà máy.

Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế vấn đề đảm bảo an toàn cho người lao động và sử dụng người lao động đúng quy định không phải nơi nào cũng thực hiện đúng và đủ. Vụ sạt lở khiến 3 công nhân tử vong khi đang thi công móng cột đường dây 500kv mạch 3 tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 6/5 vừa qua là minh chứng rõ nhất. Hầu hết công nhân đều là lao động thời vụ, không có giao kết hợp đồng, thậm chí có người tử vong vẫn chưa đủ tuổi lao động.

Năm 2023, cả nước xảy ra hơn 7.000 vụ tai nạn lao động , 662 vụ tai nạn làm 699 người tử vong . Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản hơn 160.000 tỷ đồng . Đó là những thống kê đáng báo động.

Giữ gìn an toàn cho người lao động cần phải được chú trọng ngay từ khâu đào tạo ban đầu, đào tạo không chỉ chuyên môn mà còn cần được nâng lên cấp độ cao hơn đó chính là văn hóa an toàn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Lê Huy -

Ngô Trang -

Đào Nghĩa