Áp lực người chăn nuôi khi giá thức ăn liên tục tăng

Những tháng đầu năm, trong khi thức ăn, chi phí chăn nuôi không hạ nhiệt, thì thị trường lại ảm đạm, tiêu dùng sụt giảm, khiến người chăn nuôi nhiều nơi lao đao. Thu nhỏ quy mô sản xuất, thậm chí treo chuồng, chăn nuôi nông hộ ngày càng yếu thế… là thực tế đáng buồn đang diễn ra.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay giá lợn hơi tại Việt Nam đang dao động 48.000-50.000 đồng/kg, giảm 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Không riêng nước ta, mà giá lợn hơi tại các nước cũng giảm, thậm chí giảm mạnh hơn. Chẳng hạn, ở những nước xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới như Mỹ, Brazil… giá lợn hơi cũng giảm rất mạnh từ 45.000 đồng/kg xuống còn 34.500 đồng/kg.

Gia đình bà Diệp Thị Hoa từng nuôi hàng trăm con lợn thịt nhưng thời gian gần đây chỉ còn vài chục và ít dần. Nguyên nhân do thương lái thu mua lợn hơi với giá ngày càng thấp, hiện đã dưới 50 nghìn đồng/kg.

Bên cạnh đó giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến ngành chăn nuôi gặp khó. Theo thống kê, năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 10,32 triệu tấn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi, tiêu tốn 5,6 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 13,6% về trị giá so với năm 2021. Dự báo năm 2023, nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi sẽ tăng nhẹ so với năm 2022, đạt khoảng 10,5 triệu tấn, trị giá 5,55 tỷ USD.

Tại một số địa phương như Đắk Lắk có hơn 61 nghìn ha các loại cây trồng ngắn ngày ngoài việc dùng làm lương thực thì phụ phẩm cũng rất phù hợp để chế biến thức ăn chăn nuôi cho hơn 14 triệu con gia súc, gia cầm của hơn 3.300 trang trại và 97.000 cơ sở chăn nuôi tại địa phương. Tuy nhiên do chưa tự sản xuất thức ăn chăn nuôi với số lượng và quy mô công nghiệp nên chủ yếu chỉ có các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mới có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để làm thức ăn chăn nuôi nhằm giảm chi phí đầu tư.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, đầu vào chăn nuôi bị thả nổi bởi phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong khi đầu ra bị chi phối bởi tiêu dùng, hiện đang ảm đạm và sụt giảm mạnh là nút thắt lâu nay của ngành chăn nuôi. Gỡ nút thắt này, chỉ còn cách quyết liệt thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, tăng giá trị.

Dự báo, ngành chăn nuôi lợn trong năm 2023 tiếp tục khó khăn. Những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và cả các doanh nghiệp chăn nuôi kỳ vọng đến giữa năm, kinh tế phục hồi việc làm và thu nhập của người lao động cải thiện, sức tiêu thụ thịt heo tăng lên, thì chăn nuôi heo mới có được tác động tích cực. 

Hà Lan