Bài học từ nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính giành Nobel kinh tế 2022

Những nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính được đặt nền tảng từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước vừa chính thức được vinh danh, giành giải Nobel Kinh tế danh giá. Nghiên cứu của 3 nhà kinh tế học Mỹ được đánh giá là có tính ứng dụng thực tế cao, có tầm quan trọng trong việc điều tiết thị trường tài chính và đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính.

Ông JOHN HASSLER - Thành viên Ủy ban Kinh tế Nobel: "Tầm quan trọng của nghiên cứu này đối với xã hội là gì? Những chủ nhân của giải Nobel Kinh tế năm nay đã cung cấp nền tảng cho chúng ta hiểu về lý do tại sao cần có ngân hàng, tại sao chúng dễ bị tổn thương và phải làm gì để ngăn chặn khủng hoảng".

Ông Ben Bernanke, Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giai đoạn 2006-2014, ông Douglas Diamond thuộc học viện Chicago và ông Philip Dybvig thuộc học viện St Louis - là 3 chủ nhân của giải Nobel Kinh tế năm nay.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng: ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng: giữ tiền và cho vay. Là trung gian nhận tiền gửi của nhiều người tiết kiệm, các ngân hàng có thể cho phép người gửi tiền tiếp cận tiền của họ khi họ muốn, đồng thời cung cấp các khoản vay dài hạn cho người đi vay.

Tuy nhiên, phân tích của các nhà kinh tế học cũng cho thấy sự kết hợp của 2 hoạt động này khiến các ngân hàng dễ bị ảnh hưởng của những tin đồn thất thiệt. Nếu một số lượng lớn người gửi tiết kiệm cùng lúc đến ngân hàng để rút tiền khi có tin đồn, ngân hàng sẽ mất khả năng thanh khoản và sụp đổ. Những nguy cơ này có thể được ngăn chặn bằng việc chính phủ cung cấp bảo hiểm tiền gửi và hoạt động như một thể chế cho vay cuối cùng đối với các ngân hàng.

Ông DOUGLAS DIAMOND - Chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2022: "Trong những trường hợp xấu, khi niềm tin bị phá vỡ, bạn cần đến sự can thiệp của chính phủ. Vì vậy, tôi nghĩ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, hệ thống các ngân hàng thực sự hoạt động tốt hơn rất nhiều".

Giải đáp được câu hỏi quan trọng là tại sao việc đảm bảo các ngân hàng không bị phá sản lại có ý nghĩa sống còn, nghiên cứu cũng đã khép lại mùa Nobel năm nay.

Anh Tuấn