Băn khoăn điều kiện kinh doanh đối với nhà cung cấp dịch vụ tin cậy

Góp ý vào Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có ý kiến đại biểu bày tỏ quan ngại về một số điều kiện kinh doanh đối với nhà cung cấp dịch vụ tin cậy.

Nhận định điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh là công cụ quản lý nhà nước, phổ biến mọi quốc gia nhưng đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng điều kiện kinh doanh luôn có mặt trái. Nếu việc đưa ra điều kiện không chính xác sẽ gây méo mó thị trường và cuối cùng ảnh hưởng tới người tiêu dùng

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: "Quan ngại nhất là 3 loại điều kiện kinh doanh khá phổ biển là yêu cầu nhân sự tối thiểu, yêu cầu số lượng máy móc tối thiểu, yêu cầu phương án kinh doanh. Đề nghị ban soạn thảo làm rất rõ. Không thấy cơ sở khoa học và thực tiễn là bao nhiêu người. Phương án kinh doanh hoàn toàn không nhất trí. Nhà nước không cần quan tâm đến phương án kinh doanh"

Cũng theo ý kiến đại biểu, nội dung quy định về dịch vụ tin cậy là dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong dự thảo có thể xung đột với Luật Đầu tư.

Ông BÙI SỸ HOÀN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "khoản 5 Điều 29 dự thảo luật giao Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp mới, gia hạn, thay đổi, cấp lại, tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép dịch vụ tin cậy, xây dựng, ban hành quy chuẩn, yêu cầu kỹ thuật đối với dịch vụ tin cậy. Đây là các bộ phận cấu thành của điều kiện đầu tư kinh doanh của ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là không phù hợp và không thống nhất với Điều 7 Luật Đầu tư 2020. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 5, Điều 29 dự thảo luật theo hướng giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này."

Ra đời năm 2005, khi khái niệm về điện thoại thông minh tại Việt Nam còn rất mơ hồ nhưng Luật Giao dịch điện tử với tầm nhìn xa đã đặt cơ sở pháp lý để hôm nay, sau 17 năm đang có tới hàng triệu giao dịch điện tử diễn ra mỗi ngày. Tuy vậy trước những yêu cầu phát triển của thời đại số, Luật cũng đã cho thấy một số hạn chế cần phải sửa đổi.