Băn khoăn mở rộng phạm vi thực hiện dân chủ tới doanh nghiệp

Chiều 22/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp và các tổ chức, đơn vị có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp, đại diện Tổng Công ty May 10 cho rằng việc các nội dung đang được dự thảo trong Luật thực hiện dân chủ cơ sở đang được quy định trong pháp luật về lao động, đặc biệt được cụ thể hoá trong Nghị định 145 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Ông ĐINH VIỆT THANH, Trưởng Ban pháp chế, Tổng Công ty May 10: “Những vấn đề gì pháp luật quy định là doanh nghiệp đều phải công khai. Cái công khai đầu tiên mà chúng ta thấy ngay cái công khai mà không thể trốn được, đó là trong hội nghị người lao động hàng năm, có cái gì giấu được cho hội nghị người lao động đâu? Từ cái việc với nhà xe bị dột người ta còn mang lên được, tất cả mọi việc đều có trong cái hội nghị người lao động.”

Đánh giá cao việc thực hiện quy chế dân chủ tại Tổng Công ty May 10, song đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc đối thoại giữa người lao động với người sử dụng lao động và việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là  khác nhau, cho nên không có sự chồng chéo ở đây. 

Ông VŨ HỒNG QUANG, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Vì May 10 luôn luôn thừa nhận và thực hiện cực kỳ tốt quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở nên anh thấy có vẻ thừa, chồng chéo. Tuy nhiên, thực chất nó không chồng chéo. Bây giờ chúng ta đang luật hoá quy chế dân chủ ở cơ sở và trong đó có loại hình doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc đưa nó vào luật này là hoàn toàn phù hợp và không chồng chéo. Và khi luật này ra đời thì chương, mục về thực hiện dân chủ cơ sở ở Nghị định 145 đương nhiên là không còn.”

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, những ý kiến của doanh nghiệp, đại diện tổ chức công đoàn - những đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp nếu luật được thông qua - sẽ là cơ sở quan trọng để ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, xem xét nhằm đưa ra những quy định phù hợp, sát thực tế. 

Thùy Linh