Băn khoăn quy định hợp danh trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Sáng 08/5, Ủy ban Pháp luật tổ chức Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 22, theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến để thẩm tra Dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Cho ý kiến tại phiên họp, các thành viên ủy ban pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng và khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn. Các đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn, bởi điều này đang là không khả thi trong thực tiễn.

Các đại biểu tham gia phiên họp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công chứng.

Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử. Tuy nhiên với phạm vi thực hiện công chứng điện tử, qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau. Một số ý kiến cho rằng không giới hạn phạm vi công chứng điện tử nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện cụ thể phù hợp. Loại ý kiến thứ hai cho rằng trong điều kiện hiện nay, công nghệ chưa thể bảo đảm thay thế hoàn toàn vai trò của con người, do đó, trước mắt cần quy định rõ chỉ áp dụng ở phạm vi hẹp với một số giao dịch đơn giản, không áp dụng đối với các giao dịch về bất động sản, thừa kế...

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thùy Linh -

Trương Tùng