Bàn thêm về tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị

Sáng 29/8, Uỷ ban Pháp luật phối hợp với Viên Nghiên cứu lập pháp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức toạ đàm: Cơ sở khoa học và thực tiễn của việc quy định các tiêu chí phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và việc phân loại đơn vị hành chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự và chỉ đạo buổi toạ đàm.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, việc sửa đổi, bổ sung hai Nghị quyết này được tiến hành trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành một số Nghị quyết quan trọng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, về công tác phát triển đô thị, định hướng phát triển đơn vị hành chính, trong đó có Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị ngày 24.1.2022 về quy hoạch, xây dựng, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mặt khác, tại thời điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021”.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã nghe các tham luận về: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định các tiêu chí trong phân loại đô thị; căn cứ để xác định tiêu chuẩn đô thị có yếu tố đặc thù; kinh nghiệm quốc tế về phân loại đô thị; việc hình thành và phát triển các đô thị có yếu tố đặc thù; căn cứ xác định tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính đặc thù… Đồng thời, tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ hơn về nhiều vấn đề, đặc biệt là căn cứ khoa học, cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi những nội dung trong Nghị quyết 1210 và Nghị quyết 1211.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc ban hành hai Nghị quyết 1210 và 1211 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đánh giá, phân loại đô thị, phân loại, thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian qua. Sau hơn 6 năm ban hành và thực hiện, về cơ bản cả hai Nghị quyết vẫn đang phát huy tốt tác dụng. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cũng cho thấy cả hai Nghị quyết đều đã bộc lộ một số hạn chế, có những khó khăn, vướng mắc phát sinh, cần được kịp thời tháo gỡ.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để phúc đáp các yêu cầu từ thực tiễn, phục vụ việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chủ trương xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 và Nghị quyết số 1211 và đã yêu cầu các cơ quan hữu quan khẩn trương tiến hành tổng kết việc thi hành cả hai Nghị quyết này. 

Ghi nhận, đánh giá cao các tham luận, ý kiến phát biểu, trao đổi của các chuyên gia, nhà khoa học tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Ủy ban Pháp luật nghiên cứu, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, có căn cứ khoa học để tiếp thu, hoàn thiện các quy định liên quan trong dự thảo hai Nghị quyết, phục vụ quá trình thẩm tra để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua vào Phiên họp tháng 9 tới đây.

Nhật Huy